2 bàn tay trắng, cựu binh Lò Văn Lệt phất thành triệu phú nuôi hươu

Tuệ Linh - Quốc Định Thứ bảy, ngày 05/05/2018 13:11 PM (GMT+7)
Rời quân ngũ trở về nơi "chôn rau, cắt rốn" chỉ với 2 bàn tay trắng và chiếc ba lô đeo trên người nhưng giờ đây, lão nông Lò Văn Lệt – dân tộc Thái, bản Phiêng Pẻn (xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã “phất” lên thành triệu phú từ mô hình nuôi hươu sao.
Bình luận 0

Cứ thất bại đi rồi thành công sẽ đến

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trước khi bén duyên với nghề nuôi hươu sao, ông Lệt kể: “Còn nhớ thời đó nhà tôi có đến 8 cái miệng ăn nhưng lao động chính thì chỉ có vợ chồng tôi. Làm đến đâu ăn hết đến đấy. Mỗi năm, thiếu ăn đến 6 tháng trời”.

img

Để thoát nghèo, ông Lệt đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô, đậu tương, lúa nương kém hiệu quả sang nuôi cá lồng, vịt, thỏ, nhím, dúi, lợn rừng. Thế nhưng cái đói nghèo vẫn đeo bám dù ông Lệt luôn làm việc cật lực. Cá lồng chuẩn bị thu hoạch thì bị người khác phá, cả chục tấn cá trôi hết theo sông; vịt, thỏ nuôi được mấy tháng con nào con nấy nằm chết la liệt do tiêu chảy; mỗi đêm ngủ dậy lần lượt từng con dúi, nhím biến mất không ai biết; đàn lợn rừng 30 con, cứ 2 – 3 ngày lại làm thịt đàn gà, ngan, ngỗng...

img

Mỗi ngày ông Lệt cho hươu ăn 3 bữa. Bữa sáng (7 – 8h) cho ăn cỏ voi, lá cây xanh trên rừng; bữa trưa (14h) cho ăn sắn, khoai, ngô; Chiều tối (17h30 – 18h) cho ăn lá cây cỏ ở rừng nhưng phải khác loại với buổi sáng.

Làm gì cũng thất bại, nghĩ mình không hợp với nghề chăn nuôi, ông Lệt bán hết đàn lợn rừng của mình, thu về được hơn 100 triệu.

Năm 2007, nhiều người kể rằng ở Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ cần nuôi hươu mà những hộ nghèo giàu lên một cách nhanh chóng. Ông Lệt nhận thấy đất đai của nhà thì rộng, bằng phẳng, bỏ không rất lãng phí. Điều kiện nhiệt độ trung bình ở đây 24 độ C khá thích hợp nuôi loài hươu này.

img

Đàn hươu nhà ông Lệt con nào con nấy đều to béo, khỏe mạnh nhờ được chăm sóc tốt và đa dạng các loại thức ăn

Khi lão nông này đem chuyện sẽ nuôi hươu để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Ngay lập tức ông nhận được sự phản đối kịch liệt của vợ và con trai. Họ cho rằng trước kia đã thực hiện rất nhiều mô hình nhưng đều thất bại. "Ông nên tập trung vào làm ruộng mới no bụng" - vợ ông Lệt bảo với chồng như vậy.

“Phải tỉ tê, năn nỉ mãi mới thuyết phục được bà xã và con trai đồng ý cho tôi nuôi đấy. Đúc kết được kinh nghiệm quý báu từ những thất bại lần trước. Lần này tôi quyết tâm phải làm thành công để không phụ sự kỳ vọng của mọi người trong gia đình.

img

img

Nhờ đàn Hươu này mà mấy năm trở lại đây lão nông người Thái này đã xây được 2 ngôi nhà gần tỷ đồng

May mắn ở xã Chiềng Khương (Sông Mã) cách nhà 10 km, có anh Nguyễn Văn Sáu nuôi 13 con hươu sao. Sau khi làm xong chuồng trại, mua lưới thép B40 về quây được khu vườn rộng 6.000m2. Tôi và bà nó đến nhà anh Sáu học hỏi kỹ thuật chăn nuôi và bỏ ra 80 triệu mua 2 cặp hươu về chăm bẵm” – ông Lò Văn Lẹt, cho hay.

Trải qua 1 năm làm bạn với loài hươu, niềm vui như được nhân lên gấp bội khi 2 con hươu cái lần lượt đẻ cho ông Lệt 2 con hươu con. Cũng trong năm đó, ông cắt bán 2 cặp nhung thu về 35 triệu đồng.

img

Hiệu quả bước đầu, cuối năm 2009 gia đình tiếp tục mua thêm 1 cặp nữa về nuôi. Đàn hươu được ông Lệt và vợ chăm bón đến nơi đến chốn. Cứ như vậy, năm này qua năm khác số lượng đàn hươu cứ tăng dần lên.

Hiện nay, trong khu vườn rộng 6.000m2 đang có 36 con, đầy đủ “nếp – tẻ”. Thời điểm nuôi nhiều nhất năm 2017 có hơn 40 con.

img

“Mỗi năm, hươu cái đẻ 1 lứa. Thời kỳ hươu mẹ đang cho con bú phải cung cấp đầy đủ thức ăn tinh bột như khoai lang, sắn, ngô và các loại rau cỏ xanh khác. Riêng đối với sắn, mỗi con không được cho ăn quá 1kg trên ngày. Phải cho hươu uống đầy đủ nước sạch. Để hươu sinh trưởng, phát triển tốt phải chú ý vệ sinh chuồng trại mỗi ngày một lần và quét dọn những thức ăn thừa, không cho hươu uống nước bẩn” – ông Lò Văn Lệt, tiết lộ.

Theo ông Lệt, nuôi hươu có sức đề kháng rất cao, không cần thuốc men gì cả. Loài vật này ăn ít, 5 con hươu to 1 ngày chỉ ăn bằng một con bò trưởng thành. Đặc biệt loài vật này ăn như dê, không chọn cỏ, cái gì cũng ăn nên rất dễ nuôi.

Cả hươu cái và hươu đực khi được 3 năm tuổi bắt đầu sinh sản, cho cắt nhung lần đầu. Năm 2016, ông Lệt và gia đình bỏ túi 174 triệu đồng từ việc bán nhung hươu và giống.

“Tính đến hết năm 2017 vừa rồi, gia đình tôi thu được 249 triệu đồng từ bán nhung và hươu giống. Với kinh nghiệm nhiều năm làm ăn của mình, tôi có một lời khuyên cho những ai muốn làm giàu là hãy cứ thất bại đi rồi thành công sẽ đến” – ông Lò Văn Lệt, chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem