ThS. BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp bị biến chứng tổn thương não do say nắng.
Bệnh nhân Lê Ngọc H (nam, 47 tuổi, địa chỉ ở Phú Yên), từ trước tới nay chưa khám, phát hiện hay điều trị bệnh gì đặc biệt.
Khoảng 2 tuần nay, ông H. đi gặt lúa thuê tại Ninh Bình. Hàng ngày, ông H. gặt lúa và phơi người dưới cái nắng gắt khoảng 4 – 6 giờ (nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 39 độ C).
Khoảng 15 giờ ngày 30/05/2015 (lúc nắng gắt nhất), khi đang đứng đóng gói bao thóc ngoài đồng, ông H. đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút, ông bị hôn mê.
Bệnh nhân Lê Ngọc H (nam, 47 tuổi, địa chỉ ở Phú Yên) bị biến chứng tổn thương não do say nắng đang được điều trị tại khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bác sĩ Lương Quốc Chính.
Lập tức, ông H. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu. Tại đây, ông H được xử trí cấp cứu: đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch. Sau đó bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không thấy tổn thương, chưa chọc dịch não tủy.
Sau 12 giờ cấp cứu, tình trạng toàn thân ổn định nhưng ý thức không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện tại, sau 10 giờ điều trị, ý thức bệnh nhân có cải thiện hơn (mạch 80 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg, nhiệt độ 37 độ C, vẫn thở oxy qua ống nội khí quản.
Trước đó vài giờ, khoảng 11 giờ trưa ngày 30/05/2015, bệnh nhân Tạ Thị Vân H (nữ, 88 tuổi, sống ở Hai Bà Trưng – Hà Nội) đang đi chợ thì đột ngột xuất hiện mất ý thức. Cụ H được người dân xung quanh sơ cứu và gọi cấp cứu 115 đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.
Bệnh nhân Tạ Thị Vân H (nữ, 88 tuổi, sống ở Hai Bà Trưng – Hà Nội) điều trị tại khoa cấp cứu bệnh viện hữu nghĩ Việt Xô đang dần hồi phục sau biến chứng tổn thương não do say nắng. Ảnh: Bác sĩ Lương Quốc Chính
Tại đây, cụ H. hôn mê, co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 40 độ C, mạch nhanh 150 lần/phút, huyết áp 180/100 mmHg, đường máu mao mạch 14,1 mmol/l. Ngay lập tức bệnh nhân được các y bác sĩ cho thở oxy, dùng thuốc chống co giật, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ sốt và truyền dịch.
Sau vài giờ tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hơn, không co giật, ý thức có cải thiện, sốt giảm (39 độ C), mạch chậm xuống (130 lần/phút), huyết áp giảm hơn (130/80 mmHg).
Trước thông tin này, các chuyên gia y tế lo ngại sẽ có nhiều người nhập viện vì say nắng, say nóng. Đặc biệt đối với những người lao động hoặc đi ngoài trời nắng nóng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy gây nguy hiểm đến tính mạng.
ThS.BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo say nắng có thể thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật, liệt nửa người.
Bác sĩ Quân khuyến cáo, khi bị say nắng, say nóng, người dân nên làm mát ngay tức thì. Người xung quanh phải đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà lạnh, hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền, thở ôxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định. Người dân phải chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ sốc, áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi.
ThS.BS Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không để trẻ chơi và đi ngoài nắng. Đặc biệt, cha mẹ phải cho trẻ mặc quần áo thoáng, dễ bay hơi nước, không hấp thụ nhiệt, hạn chế trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, uống đủ nước và điện giải…
Ngoài ra, người dân cũng nên mặc áo chống nắng, đội mũ khi đi ra ngoài nắng. Nên tích cực uống nước mát (không uống quá nhiều nước đá), duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn mềm, mát để đảm bảo sức khỏe. Cả người già và trẻ em đều không nên ở phòng điều hòa quá lạnh rồi chạy ra ngoài nắng đột ngột...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.