Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, hoàng đế được coi như thiên tử, tức là con của trời. Người dân trong thiên hạ đều phải phục tùng ngài. Cũng vì lẽ đó, những người cả gan đắc tội với thiên tử đều bị xử phạt nghiêm khắc. Ấy vậy mà, có tới 2 thị vệ, những người có thân phận gần như thấp nhất trong triều đình dám cả gan ngoại tình cùng hoàng hậu. Họ là ai?
Đó là Lý Thể Dục và Kỳ Kế Trung, 2 thị vệ thân tín của Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh. Còn vị hoàng hậu tư thông cùng họ không ai khác là Uyển Dung.
Chuyện tày trời của hoàng hậu Uyển Dung đã được Phổ Nghi tiết lộ trong cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi" của ông. Cuốn hồi ký này đã được xuất bản vào năm 1964. Nội dung của nó chủ yếu là về những bí mật chưa từng được công bố của triều đình và hậu cung nhà Thanh.
Trong cuốn tự truyện này, Phổ Nghi đã thuật lại nội tình việc Uyển Dung ngoại tình với 2 thị vệ thân tín của mình như sau: "Năm 1935, Uyển Dung mang thai sắp sinh tôi mới phát hiện ra vấn đề. Tôi rất tức giận, nhưng không muốn người Nhật biết chuyện nên chỉ có thể trút giận lên người cô ấy. Tôi đã đuổi hết những kẻ có quan hệ với cô ấy, kể cả những kẻ đáng nghi đi. Tôi còn quyết định ly hôn với cô ấy nhưng lúc ấy quân Quan Đông không cho phép, còn tôi thì không dám đắc tội với người Nhật".
Mặc dù Phổ Nghi không nhắc tới cụm từ "ngoại tình" nhưng theo lẽ thường, khi người vợ mang thai, chồng sẽ vui mừng, tuy nhiên, ở đây, hoàng đế lại rất tức giận, điều này chỉ có một khả năng là người vợ ngoại tình. Từ đây có thể thấy, đứa con mà hoàng hậu Uyển Dung mang trong bụng không phải là của Phổ Nghi.
Khi phát hiện ra Uyển Dung tư thông, Phổ Nghi cũng như nhiều người đàn ông khác đều muốn tìm cho ra kẻ đã cắm sừng mình. Theo điều tra của Phổ Nghi, trong lúc ông vắng mặt, hoàng hậu Uyển Dung đã tư thông với thị vệ Lý Thể Dục và mang thai con của người này. Sau khi bị tra tấn, Lý Thể Dục thừa nhận đã cả gan cắm sừng hoàng đế Phổ Nghi nhưng không nhận đứa con trong bụng Uyển Dung là máu mủ của mình. Tên thị vệ này khai rằng, hoàng hậu còn có một nhân tình khác là thị vệ Kỳ Kế Trung.
Cũng giống như Lý Thể Dục, Kỳ Kế Trung là thị vệ được Phổ Nghi tin tưởng nhất. Hắn đã theo Phổ Nghi hơn 10 năm, thậm chí hoàng đế còn cử Kỳ Kế Trung sang Nhật Bản du học. Do đó, việc hoàng hậu phản bội mình, ngoại tình với 2 thị vệ thân tín là việc mà Phổ Nghi không thể ngờ cũng như không chấp nhận được.
Thế nhưng tại sao Phổ Nghi lại chắc chắn rằng hoàng hậu Uyển Dung ngoại tình? Có gì uẩn khuất đằng sau lời khẳng định này?
Nguyên nhân hoàng hậu Uyển Dung ngoại tình cùng 2 thị vệ
Theo các nhà sử học, dựa vào các tư liệu lịch sử, họ đã tìm ra 2 nguyên nhân khiến hoàng hậu Uyển Dung phản bội hoàng đế Phổ Nghi để tư thông với 2 thị vệ.
Nguyên nhân thứ nhất, hoàng đế Phổ Nghi không có năng lực tình dục và không thể có con cái. Theo hồi ức của thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa là Tôn Diệu Đình cho biết: "Trước kia, thái giám trong cung vì lười biếng muốn trốn việc nên thường xuyên đưa cung nữ cho Phổ Nghi chơi đùa từ lúc nhà vua mới lên 10. Đến năm 12, 13 tuổi, cơ thể của Hoàng đế từ sớm đã vì lao lực phòng the quá độ mà trở nên bất lực". Chính Phổ Nghi từng viết trong hồi ký về chuyện này như sau: "Sáng hôm sau tỉnh dậy, ta thấy hoa mắt, chóng mặt, nhìn mặt trời và mọi thứ xung quanh đều ra màu vàng ệch".
Hơn nữa, trong bệnh lý của Phổ Nghi khi điều trị tại Bệnh viện Hiệp Hòa (Bắc Kinh, Trung Quốc) có viết rõ: "Bệnh nhân khi lên ngôi Hoàng đế vào 30 năm trước đã bị liệt dương, dù liên tục điều trị nhưng không khả quan. Người bệnh còn có thói quen hút thuốc, đã vài lần kết hôn nhưng không có con…" Từ những thông tin này, có thể thấy rằng, việc Phổ Nghi gặp vấn đề về khả năng sinh lý đã giúp hoàng đế phát hiện ra chuyện hoàng hậu mang thai con của người khác. Và đây cũng là một trong những lý do khiến cho hoàng hậu ngoại tình cùng 2 thị vệ.
Nguyên nhân thứ hai, Uyển Dung bị nghiện thuốc phiện. Trong cuốn hồi ký của mình, Phổ Nghi kể lại rằng: "Tôi nghe nói Uyển Dung ngày đêm làm bạn với thuốc phiện. Bà ấy hút thuốc phiện thay ăn cơm, uống nước…" Thế nhưng, căn nguyên của việc này là cũng là bởi chứng bất lực của Phổ Nghi. Khi kết hôn cùng Phổ Nghi, Uyển Dung tròn 16 tuổi, đang ở độ tuổi thanh xuân phơi phới nhưng hoàng hậu lại phải chịu cảnh một mình nơi cấm cung. Vì thế, để quên đi những ngày tháng này, hoàng hậu đã tìm tới thuốc phiện. Và trong những lúc thần trí mơ hồ, hoàng hậu Uyển Dung đã không kiềm chế được bản thân mà ngoại tình với 2 thị vệ thân tín của Phổ Nghi.
Kết cục của 2 thị vệ cả gan ngoại tình cùng hoàng hậu ra sao?
Lúc mới biết sự thật, hoàng đế Phổ Nghi giận sôi máu, ông cảm thấy bản thân không còn mặt mũi nào. Hoàng đế định rút súng bắn chết 2 thị vệ này nhưng lại lo sợ tin đồn lan rộng khiến cho thể diện của hoàng thất bị ảnh hưởng nên đành dừng lại.
Cuối cùng, Phổ Nghi đã làm một việc không tưởng là lấy ra 400 đồng bạc Đông Dương đưa 2 tình nhân của hoàng hậu. Sau đó, hoàng đế đã yêu cầu họ không được hé răng nửa lời về chuyện này và phải đi càng xa càng tốt.
Sau này, thị vệ Kỳ Kế Trung đến Hoa Bắc làm việc cho một quân phiệt. Tới ngày giải phóng thì người này bị bắt và bị giết chết.
Thị vệ Lý Thể Dục thì bỏ xứ mà đi, nhiều năm sau mới dám quay lại Bắc Kinh. Sau đó, ông ta tìm được một công việc ổn định, cưới vợ và sinh con, sống một cuộc đời bình dị.
Còn về phần hoàng hậu Uyển Dung thì số phận của bà không được may mắn như vậy?
Năm 1935, hoàng hậu Uyển Dung hạ sinh con gái đầu lòng. Có giai thoại rằng, Phổ Nghi vì tức giận đã ném đứa bé vào lò lửa ngay sau khi nó chào đời. Sau đó, hoàng đế tống Uyển Dung vào lãnh cung. Từ đó, hoàng hậu chìm trong đau khổ cho tới lúc tạ thế.
Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký của mình, Phổ Nghi đã làm rõ về lời đồn này. Thực tế, ông chưa từng giết con gái mà hoàng hậu Uyển Dung sinh ra. Đứa trẻ chết là do hoàng hậu nghiện thuốc phiện. Bà thường xuyên bỏ ăn uống để hút thuốc nên cơ thể không khỏe mạnh khiến cho đứa bé vừa sinh ra đã chết non vì quá yếu.
Vào năm 1946, bà qua đời trong tù. Một giả thuyết cho rằng bà được chôn cất ở phía nam Diên Cát - nơi bị cầm tù những tháng cuối đời. Tuy nhiên, đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa tìm ra hài cốt của hoàng hậu Uyển Dung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.