20 năm điều trị bệnh máu, được BHYT chi trả viện phí hơn 2 tỷ đồng/năm

Tuấn Kiệt Thứ hai, ngày 26/07/2021 16:43 PM (GMT+7)
20 năm điều trị bệnh máu với chi phí khổng lồ, anh N.V. Tuyên (Hà Nội) và gia đình đã không thể chống chọi được nếu không được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
Bình luận 0

Là một trong những bệnh nhân không may bị bệnh Hemophilia, anh N.V. Tuyên (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã không thể yên tâm điều trị nếu không có BHYT. Đến nay, anh đã chống chọi với căn bệnh quái ác này suốt 20 năm. 

Anh Tuyên xác định, suốt đời phải gắn bó với bệnh viện, kèm theo đó là chi phí điều trị  vô cùng đắt đỏ.

Trong hành trình gian nan ấy, anh Tuyên luôn có thẻ BHYT đồng hành. Với anh, thẻ BHYT chính là “ân nhân” giúp anh tiếp tục được sống. “Với số tiền chữa bệnh hơn 2 tỷ/năm, vượt quá sức chi trả của tôi và gia đình. Nhưng may nhờ có thẻ BHYT, tôi đã được hưởng 100% chi phí điều trị, nếu không có thẻ BHYT chắc tôi không thể sống đến ngày hôm nay”, anh Tuyên tâm sự. 

Gia đình cô Trà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thấu hiểu giá trị của thẻ BHYT hơn ai hết. Cô Trà cho biết, 3 năm trước, cô Trà từng trải qua một cơn tai biến mạch máu não. Cô đã phải điều trị hơn 1 năm, với số tiền viện phó hơn 140 triệu đồng. 
Với gia đình lao động, còn khó khăn như gia đình cô Trà, đó là số tiền không nhỏ. Nhờ có BHYT mà cô mới an tâm, nhẫn nại để điều trị, không đau đáu nỗi lo lắng, sợ hãi là gánh nặng cho người thân. Bây giờ, cô Trà và mọi người trong gia đình tham gia BHYT nhiệt tình hơn bao giờ hết. 

20 năm điều trị bệnh máu, được BHYT chi trả viện phí hơn 2 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Những ca bệnh nặng đột xuất, chi phí y tế lớn sẽ là gánh nặng cho gia đình nếu như không có thẻ BHYT (Ảnh điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai, Ảnh BVCC)

Cô Trà bộc bạch: “Cuộc sống vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà mình không biết trước được. Cho nên, cứ chủ động tham gia BHYT thôi, không chỉ tốt cho mình mà còn để giảm gánh nặng cho người thân nếu chẳng may mình bị ốm đau, bệnh tật. Nếu may mắn, mình được khỏe mạnh thì mình tham gia BHYT cũng là cách để giúp đỡ, chia sẻ rủi ro với cộng đồng”.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100-105 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm.

Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... 

Bởi lẽ đó, từ nhiều năm nay, BHYT đã được phần lớn người tham gia BHYT xem là “phao cứu sinh”, là “thẻ hộ mệnh” không thể thiếu của mỗi người…

Cùng với đó, cơ hội tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng mở rộng, số lượt khám chữa bệnh BHYT được Quỹ BHYT chi trả cũng tăng cao. 

Hằng năm, BHXH Việt Nam thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 100 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú (năm 2020, thanh toán cho trên 167,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với gần 103 nghìn tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2021, có gần 76 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số chi BHYT ước hơn 49 nghìn tỷ đồng).

Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân, quỹ BHYT đã và đang tiếp tục giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng chi trả chi phí KCB khi người tham gia BHYT không may bị ốm đau, bệnh tật.

Đặc biệt, từ ngày 1/6/2021, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đây được đánh giá là bước đi đột phá, phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Ngành, và càng phù hợp hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Những năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh và vượt các mục tiêu đề ra. Năm 2016, số người tham gia BHYT tăng 11% so năm 2015, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6-7%, giai đoạn 2018-2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm.

Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% dân số. Với tỷ lệ này, BHXH Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem