Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở QHKT TP.HCM) - người chủ trì đề tài nghiên cứu, nhà ở của người dân nông thôn TP.HCM, mặc dù phát triển hơn nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước nhưng thu nhập của nông dân TP.HCM vẫn chưa cao.
“Tắc” ngay khi thử nghiệm
Tháng 10.2007, TP.HCM thực hiện đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM tại ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) - ấp đầu tiên xây dựng thí điểm Chương trình NTM của thành phố. Nhằm nâng cấp, chỉnh trang nhà nông thôn ở ấp Chánh để phù hợp với xu hướng phát triển đô thị hóa trong tương lai, nhưng vẫn giữ được phong cách nông thôn, thành phố đã thiết kế, tuyên truyền mẫu nhà mới đặc thù tại ấp Chánh, với 4 mẫu nhà được đánh giá cao và chọn làm tiêu chuẩn để xây dựng mẫu nhà trong ấp.
Xây dựng nhà vườn tại xã Bình Mỹ (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng
Xây dựng bộ mặt kiến trúc nông thôn cần một quá trình lâu dài và phải có các biện pháp đồng bộ từ khâu lập quy hoạch chi tiết, mẫu nhà ở mới phù hợp, nâng cao dân trí, đến việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước tại địa phương, cung cấp kết cấu hạ tầng chung tốt và đầy đủ...”.
TS Nguyễn Anh Tuấn
|
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng ấp Chánh, khi đưa mẫu nhà vào áp dụng thực tế mới thấy không hộ nào đáp ứng được yêu cầu. “Không ai có đủ đất để làm, mà có đủ đất thì lại không đủ tiền” - ông Phong thổ lộ.
Theo đó, mẫu nhà số 3 thuộc loại rẻ nhất trong 4 mẫu nhà thì cũng có giá hơn 300 triệu đồng với quỹ đất vài trăm m2. “Lúc bấy giờ số tiền xây nhà khá lớn, người dân ở đây không kham nổi” - ông Đinh Văn Mum - Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ban vận động xây dựng NTM ấp Chánh cho biết.
Ông Phong cho biết, mặc dù chính quyền đã nỗ lực tuyên truyền người dân ứng dụng vào thực tế mô hình nhà NTM nhưng đến giờ, ấp Chánh vẫn không có mô hình nhà nông thôn nào được người dân xây dựng.
Thiếu chính sách đi kèm
Theo TS Tuấn, nhà ở của người dân nông thôn TP.HCM hiện không còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc xưa kia của ông cha. Những nếp nhà hình chữ đinh và ba gian hai chái với khoảng sân rộng đằng trước để phơi nông sản không còn nhiều.
Cho đến nay, Sở QHKT đã đưa ra gần chục mẫu nhà cho nhiều quy mô gia đình khác nhau từ 2 - 6 người… với 3 mô hình dựa trên đặc điểm kinh tế gia đình, gồm: Nhà ở thuần nông, nhà ở ven đô và nhà phố làng. Việc xây dựng các mẫu nhà nông thôn này đều thông qua quá trình phối hợp, làm việc với chính quyền và người dân, các nhóm thợ xây dựng địa phương, các chuyên gia… cũng như khảo sát kỹ điều kiện tự nhiên của các khu vực ngoại thành thành phố, khảo sát tập quán sống, điều kiện ở, sinh hoạt, tâm lý của người dân…
Vậy, vì sao gần 20 năm qua các mô hình nhà ở nông thôn thành phố chưa thể áp dụng vào thực tế? Ông Thái Quốc Dân - Chi Cục phó Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM lý giải: Thực chất lúc đầu Sở QHKT trình bày các mẫu nhà chủ yếu với tính chất giới thiệu, đến nay chưa có huyện nào áp dụng được mô hình nhà ở nông thôn này. Đáng lý ra thành phố cần phải có chính sách đi kèm như hỗ trợ vốn vay xây nhà cho người dân thì việc triển khai đề tài có lẽ đã khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.