Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, dịch chuyển dân cư, nhu cầu nhà ở nông thôn trong thời gian tới không áp lực như đô thị. Tuy nhiên, nhà ở khu vực nông thôn vẫn là một vấn đề hết sức bức thiết...
|
Những căn nhà chồ giữa TP.Huế. |
Những số liệu thống kê của Bộ này đưa ra cho thấy, tỷ lệ nhà ở dễ tổn thương ở nông thôn (bao gồm nhà thiếu kiên cố và đơn sơ) vẫn ở mức 20%. Trong đó, gần 1,5 triệu căn nhà đơn sơ (chiếm tỷ lệ 9,52% tổng số căn hộ ở nông thôn). Một số vùng nhà đơn sơ chiếm tỷ lệ cao như: Đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi phía Bắc...
Ngoài nhà ở, việc không đồng bộ về hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (như hệ thống cấp nước sạch, cấp điện chiếu sáng, hệ thống xử lý vệ sinh môi trường…) cũng là những khó khăn trong việc an cư của người dân.
Tại thời điểm 1.4.2009, chỉ có 39% số hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nhiều hộ gia đình nghèo, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực dân vạn đò, vạn chài thuộc các tỉnh ven biển miền Trung vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở. Dự thảo Chiến lược cũng đánh giá nhà ở nông thôn là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2012-2015, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ có nhà ở đơn sơ cải tạo, xây dựng lại nhà ở. Mỗi hộ được hỗ trợ từ ngân sách 10 triệu đồng, cho vay ưu đãi 10 triệu đồng, ngoài ra huy động, đóng góp từ các nguồn khác 10 triệu đồng.
Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 6.000 tỷ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý III/2010). Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng; vốn cho vay ưu đãi khoảng 4.000 tỷ đồng; vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 4.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015-2020, tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ với tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 12.000 tỷ đồng. Như vậy, tính từ năm 2011 đến năm 2020, tổng số hộ sẽ được hỗ trợ cải tạo nhà ở đơn sơ khoảng 1,58 triệu hộ.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.