200 học sinh hàng ngày vượt đường đất đi tìm con chữ

Thứ hai, ngày 04/10/2021 07:01 AM (GMT+7)
Hành trình tới trường trên con đường đất ven núi của gần 200 em học sinh tại trường Tiểu học - THCS xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã khó nay còn gập ghềnh vất vả hơn khi mùa mưa bão đang tới gần.
Bình luận 0

Con đường dài 30km từ trung tâm huyện tới trường Tiểu học – THCS Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) hơn một nửa là đường đất với các rãnh sâu, đá hộc, đến xe máy cũng khó mà di chuyển. Đây cũng là con đường mà hơn 200 em học sinh tại đây ngày ngày vẫn phải vượt qua để đi tìm con chữ.

 200 học sinh hàng ngày vượt đường đất đi tìm con chữ - Ảnh 1.

Cứ 6h30 sáng, em Hoàng Thị Thúy Diệp, học sinh lớp 7 trường Tiểu học- THCS xã Tân Minh lại đi bộ hơn 10 km tới trường

Cứ 6h30 sáng, em Hoàng Thị Thúy Diệp, học sinh lớp 7 trường Tiểu học- THCS xã Tân Minh lại đi bộ hơn 10 km tới trường. Một bên là núi, một bên là vực với những tảng đá sắc lẹm. Ngày nắng, chỉ cần có xe đi qua là bụi mù mịt che khuất tầm nhìn. Khi trời đổ mưa tầm tã, con đường đất trở thành vũng lầy, trơn trượt rất nguy hiểm. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để tới được lớp học, nhiều hôm trong cặp Diệp phải chuẩn bị thêm 1 bộ quần áo để thay vì khi tới trường thì quần áo trên người cũng đã bẩn hết: “Mẹ em không ở nhà, mẹ đi Trung Quốc lâu lắm không về rồi. Bố em làm nương làm rẫy, lâu lâu lại đi làm thuê, nhà chỉ có em và em gái thôi. Lâu lâu bố rảnh thì bố đưa đi học, không thì em đi bộ đi học, chứ em không đi xe đạp đường này được. Em đi bộ thì đất dính hết vào dép, có lúc còn trượt ngã bẩn hết quần áo. Em thấy vất vả lắm, đặc biệt là lúc trời mưa to, đường đi khó khăn lắm. Nhưng bù lại em thấy học ở đây vui lắm ạ, có thầy cô, có các bạn”.

Trường Tiểu học và THCS Tân Minh được xây dựng từ năm 2000, đến nay, cơ sở vật chất đã xuống cấp, thiếu phòng học (học sinh phải học trong lớp ghép và lớp tạm), chưa có nhà hiệu bộ và các phòng chức năng nên việc dạy và học của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

 200 học sinh hàng ngày vượt đường đất đi tìm con chữ - Ảnh 2.

Con đường dài 30km hơn một nửa là đường đất là con đường mà hơn 200 em học sinh tại đây ngày ngày vẫn phải vượt qua để đến lớp

Thầy giáo Hướng Anh Tài,  hơn 10 năm công tác tại trường chia sẻ, học sinh tại trường chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, mặt bằng kiến thức có sự chênh lệch khá lớn. Có nhiều học sinh nhà ở rất xa trường, việc đi lại rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho các em, nhà trường đã bố trí giường ngủ ngay trong lớp học để các em ở lại học tập được đều hơn, đảm bảo chuyên cần. Tranh thủ ngoài giờ lên lớp, các giáo viên cũng luôn cố gắng gần gũi, động viên, chỉ bảo các em về kỹ năng xã hội, nề nếp sinh hoạt…

Thầy giáo Hướng Anh Tài nói: “Trong suốt quãng thời gian công tác tại đây, các em học sinh quả thật hết sức vất vả. Có nhiều em còn phải lội qua suối, băng qua đường đồi trơn trượt rất khó khăn. Điều kiện kinh tế gia đình đã hết sức khó khăn vì vậy các em tới trường theo học đã là một nỗ lực rất lớn, vì vậy các thầy cô tại đây cũng luôn tạo mọi điều kiện để các em học tập tốt nhất. Chúng tôi cũng mong muốn được nhiều nhà hảo tâm quan tâm tạo điều kiện và ủng hộ nhiều hơn cho các em học sinh tại trường, vì trường vừa là trường vùng III đặc biệt khó khăn lại ở nơi biên giới, để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao nhận thức của các em cũng như tác động đến phụ huynh trong việc bảo vệ chủ quyền nơi biên giới”.

 200 học sinh hàng ngày vượt đường đất đi tìm con chữ - Ảnh 3.

Sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và xã hội sẽ là động lực để những bước chân các em nhỏ vững vàng hơn trên con đường phía trước.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, huyện Tràng Định cũng đã quy hoạch Trường Tiểu học và THCS Tân Minh sang một địa điểm mới để dồn 2 điểm trường hiện nay thành một. Khi đó, học sinh sẽ được ăn, nghỉ tại trường cả tuần, cơ sở vật chất đảm bảo đủ điều kiện để chăm lo, phục vụ các em nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bà Nông Thúy Hiền, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tràng Định cho biết:“ Không chỉ riêng Tân Minh và đối với tất cả trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn, chúng tôi đều tổ chức chuyển đổi mô hình thành trường bán trú. Mặc dù là bán trú nhưng gần như là trường nội trú vì các em được ăn, nghỉ cả tuần tại trường. Đối với chương trình dạy học chúng tôi đảm bảo toàn bộ các bộ môn theo quy định đều sẽ được thực hiện đầy đủ để giảng dạy cho các em. Các trường ở vùng đặc biệt khó khăn đều được bố trí đội ngũ giáo viên thuộc biên chế và có những quy định, chế độ ưu đãi riêng để giúp các thầy cô cố gắng, nỗ lực trong việc chăm lo cho các em học sinh trong dạy học cũng như trong sinh hoạt cuộc sống”.

Dẫu biết việc dạy và học ở vùng biên viễn xa xôi, hẻo lánh sẽ còn những khó khăn, chông gai, nhưng thầy và trò nơi đây vẫn cần mẫn, miệt mài với sự nghiệp trồng người. Một năm học mới lại bắt đầu, sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và xã hội sẽ là động lực để những bước chân các em nhỏ vững vàng hơn trên con đường phía trước.

Duy Thái (vov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem