Năm thứ 13 đời nhà Đường, 5000 quân Hồi Hột đã tràn vào biên giới nhà Đường, Trương Quang Thạnh đã phụng mệnh mang quân đi đánh giặc. Lúc đó, trong tay Trương Quang Thạnh có hơn hai vạn tinh binh, số quân đông gấp 4 lần quân Hồi Hột.
Tuy nhiên, ngay từ trận đầu tiên, quân của ông đã bị đánh cho đại bại.
Sau khi xuất quân nhưng thất bại, thủ hạ dưới trướng của Trương Quang Thạnh rất không phục, đòi được đánh lại một lần nữa.
Đối mặt với từng yêu cầu của từng lớp tướng sĩ, Trương Quang Thạnh đã đưa ra một quyết định khiến mọi người đều vô cùng ngạc nhiên: "Không cần phải đánh lại nữa!"
Một tướng sĩ đã lên tiếng hỏi về những điều mình còn thắc mắc: "Tướng quân, số lượng quân lính của chúng ta nhiều hơn quân địch, lại có thêm lợi thế về thiên thời địa lợi, đánh lại một lần nữa chắc chắn sẽ giành chiến thắng, tại sao chúng ta lại không đánh?"
Tâm trạng của Trương Quang Thạnh vô cùng nặng nề, ông trả lời: "Ngươi nói rất đúng, chúng ta có thiên thời địa lợi, số lượng binh mã cũng nhiều hơn so với quân địch nhưng ngay trận đánh đầu tiên đã bị đánh bại rồi.
Có thể thấy rằng mưu trí của ta không bằng tướng quân của địch, không thể vận dụng được tối đa sức chiến đấu của tất cả mọi người.
Ta phải tự xem xét lại chính bản thân mình, tìm ra khuyết điểm của bản thân, sau đó mới tiếp tục chiến đấu, như vậy mới có thể nắm chắc được phần thắng trong tay mình."
Vị tướng này không hề đùn đẩy trách nhiệm thua trận cho bất cứ ai, tự kiểm điểm lại bản thân, chính tinh thần thái độ này đã khiến toàn bộ tướng sĩ và bách tính có mặt tại thời điểm đó cảm động.
Dưới sự chỉ đạo của tướng quân Trương Quang Thạnh, các tướng sĩ nhà Đường một mặt làm tốt công tác chuẩn bị, một mặt khác phát động bách tính góp sức, quân dân chung sức đồng lòng, cuối cùng đánh đuổi được quân Hồi Hột chạy về nước.
Lời bình
Trên chuyến hành trình của cuộc đời, mỗi người chúng ta thường mang theo hai túi hành lý: Một túi chứa đựng sai lầm của người khác và túi còn lại chứa đựng sai lầm của chính chúng ta.
Tuy nhiên, trên đường đời, nhiều người thường đeo chiếc túi sai lầm của người khác trước ngực và đặt túi sai lầm của chính mình ra sau lưng. Đó là lý do khiến họ không bao giờ nhìn thấy sai lầm của mình, nhưng chỉ cần cúi đầu là có thể dễ dàng nhìn thấy sai lầm của người khác.
Đó cũng là lý do tại sao trong cuộc sống này, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người luôn đổ trách nhiệm cho người khác mỗi khi thất bại, họ không bao giờ nghĩ đó là lỗi của mình.
Thế nhưng trên thực tế, đổ lỗi không bao giờ giải quyết được vấn đề mà chỉ cho thấy sự kém cỏi, thiếu tinh thần trách nhiệm của người đó mà thôi. Càng những người thích đổ lỗi hoặc thích chỉ trích người khác càng cô độc và dễ thất bại.
Người xưa từng nói: "Tiểu nhân vô thác, quân tử thường qua." Câu này ý muốn nói rằng: Kẻ tiểu nhân không bao giờ cảm thấy mình sai và luôn đổ lỗi cho người khác. Còn người quân tử lúc nào cũng tự kiểm điểm lại lỗi lầm của bản thân trước tiên.
Trên thực tế, người cao thượng bao giờ cũng tìm kiếm sự hoàn thiện ở chính mình và người thấp kém thường sẽ cầu xin bên ngoài. Người càng kém cỏi lại càng thích bới móc sai lầm của người khác.
Cách tự kiểm điểm bản thân tốt nhất chính là: Phàm việc gì xảy ra cũng luôn ngẫm lại mình đầu tiên. Cái gọi là tự kiểm điểm bản thân tức là ngẫm lại khuyết điểm của mình, từ đó bù đắp thiếu sót và sửa chữa sai lầm.
Kẻ mạnh hiểu được cách kiểm điểm chính mình, tìm ra mấu chốt của vấn đề và giải quyết nó. Còn kẻ yếu thường xem nhẹ vấn đề, đùn đẩy trách nhiệm và phàn nàn không ngớt.
Thế nhưng trong cuộc sống này, con người sống với nhau, từ trước đến nay điều quan trọng nhất không phải là việc trách mắng, chỉ trích khi đối phương khi họ mắc sai lầm mà là mỗi người cần tự vấn lại mình, suy nghĩ về những điều đã qua, phát hiện ra thiếu sót và cải thiện những khuyết điểm của bản thân, khuyến khích bản thân để ngày càng tiến bộ.
Chỉ có như thế, chúng ta mới dễ dàng chung sống hòa đồng cùng mọi người, mới có thể vượt lên chính mình để hoàn thiện bản thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.