Ảnh minh họa từ internet
Từ khi con bắt đầu đi học tiểu học, cứ mỗi lần đến 20.11 là chị Nguyễn Phương Liên (Hoàng Mai – Hà Nội) lại vắt óc nghĩ xem phải mua quà gì tặng cô giáo. Năm nay, được mấy phụ huynh cùng trường “mách nước” chị bỏ qua luôn phần hoa, quà và cũng không cần vất vả tìm mọi cách để biết địa chỉ nhà cô giáo chủ nhiệm để tìm đến hỏi thăm cô vào buổi tối.
Cách làm dễ nhất mà các mẹ mách là: Bỏ phong bì vào cặp sách cho con mang đến lớp “tặng” cô. Ở nhà, chị đã dặn đi dặn lại cô con gái học lớp 3, giờ ra chơi thì mang phong bì lên đưa cho cô và bảo: “Mẹ con dặn đây là quà tặng cô nhân ngày 20.11”.
Chiều về, vẫn thấy chiếc phong bì còn nguyên trong cặp con, chị mới hỏi tại sao, cô con gái thật thà nói: “Cô không nhận và bảo con mang về”, hỏi con nói với cô thế nào thì con gái bảo: “Con bảo cô ơi mẹ con bảo mang cái này nộp cho cô”!!!
Câu chuyện của chị Liên không phải là chuyện hiếm khi chiếc phong bì đang dần dà trở thành phương tiện không thể thiếu trong ngày 20.11. Tuy nhiên, chiếc phong bì của người lớn đang thẳng thừng “phơi bày” trước mặt trẻ nhỏ thì đó không còn là chuyện của người lớn nữa.
Rất nhiều học sinh hiện nay không còn hiểu nhiều về ý nghĩa của ngày nhà giáo Việt Nam 20.11. Thay bằng việc bàn nhau mua hoa, đến tặng thầy cô thì các em đã bắt đầu biết “rỉ” tai nhau hỏi xem, bố mẹ “bỏ” phong bì cho cô này, thầy kia bao nhiêu tiền.
Thậm chí, sắp đến ngày 20.11 mà chưa thấy bố mẹ có “động tĩnh” gì là có em đã biết về nhà “ý kiến”.
Chị Hoàng Lan Anh có con học tại một trường THCS ở Đông Anh – Hà Nội kể: “Thấy con trai về nhà hỏi, mẹ đã “đi” thầy K gì chưa? Con thấy bạn nọ bạn kia bảo mẹ nó bỏ phong bì mừng thầy 200.000 đồng đấy mẹ ạ, không phải mua hoa đâu. Tôi thực sự “hoảng hốt” câu chuyện về chiếc phong bì đã thực sự rất…nghiêm trọng”.
Nói về chuyện “chiếc phong bì”,cô Nguyễn Thị Hà – giáo viên một trường tiểu học tại TP Vinh (Nghệ An) cho rằng: Một bộ phận giáo viên và phụ huynh “thực dụng” đang vô tình gieo vào đầu những đứa trẻ những suy nghĩ không tốt chỉ vì những chiếc phong bì.
Các em sẽ học được gì ở đó: đó là đồng tiền có thể mua được sự ưu ái, rằng không cần phải cố gắng học miễn là ngày nọ, ngày kia có tiền cho cô giáo…khi đó, giáo viên không còn là hình ảnh đẹp và việc tôn trọng giáo viên cũng giảm dần.
Tuy nhiên, cô Hà cũng thừa nhận, việc không nhận phong bì thực sự là một “cuộc đấu tranh” trường kỳ của nhiều giáo viên chân chính khi tư tưởng “đi cửa sau” luôn thường trực và cám dỗ của vật chất bao giờ cũng rất lớn. Nhất là trong thời điểm lương của nhiều giáo viên hiện…chưa đủ sống.
Nhớ lại những ngày khó khăn khi mới bước vào nghề giáo, cô Trần Ngọc Trang – giáo viên Trường mầm non 1 – TP Hà Tĩnh cho biết: “Sau 4 năm ĐH ra trường (năm 2003), không ai có thể tin được tôi lại đi dạy với mức lương chỉ 220.000 đồng tại trường mầm non Thạch Bình – Thạch Hà – Hà Tĩnh. Mà không phải nhận tiền mặt, số tiền ấy được xã quy ra thóc, cứ chờ đến vụ mùa, xã thông báo các cô giáo đến sân hợp tác xã để nhận thóc.
Bây giờ, mức lương đã khá hơn nhưng nhiều khi cũng không đủ trang trải cuộc sống. Kể thế để nói rằng nếu muốn làm giàu, muốn sung túc thì chớ chọn nghề giáo. Những giáo viên đến với nghề bằng lòng yêu trẻ, sự nhiệt huyết, thì sẽ không bao giờ nghĩ đến …những chiếc phong bì”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.