Tháng 2. 2014, Tổng thống Putin phô trương sức mạnh của Nga thông qua Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Sochi. Với chi phí tổ chức lên tới 51 tỷ USD, Olympics Sochi trở thành kỳ thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Nhiều nhà phân tích đánh giá, việc tổ chức thành công thế vận hội Olympics Sochi là một thắng lợi lớn của Tổng thống Putin trong con đường phục hưng quyền lực của nước Nga. Trong ảnh là Tống thống Nga Putin (ở giữa) cùng nhiều quan khách trong đó có Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch Ủy ban Olympics quốc tế Thomas Bach (thứ 2 từ trái sang) tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi năm 2014.
Ngày 17.3, bán đảo Crimea công bố kết quả trưng cầu dân ý với 97% cử tri ủng hộ tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga. Tổng thống Putin sau đó 2 ngày cũng khẳng định: "Crimea là vùng đất thiêng của Nga". Trong ảnh, người dân Crimea ăn mừng việc sát nhập về với Nga và ủng hộ Tổng thống Putin.
Ngày 18.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn dự thảo sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của Nga.
Ngày 9.5, Tổng thống Putin có chuyến thăm lịch sử tới bán đảo Crimea, chỉ hai tháng sau khi bán đảo này chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Ông Putin đến Crimea qua đường biển tới cảng Sevastopol, quân cảng của Hạm đội Biển Đen Nga từ nhiều năm qua. Tại đây, Tổng thống Putin ca ngợi, việc sáp nhập Crimea sẽ khiến nước Nga trở nên hùng mạnh hơn.
Ngày 20.5, Tổng thống Putin đến Thượng Hải, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, hai nước Nga-Trung ký kết một hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Trước chuyến đi, Tổng thống Putin tuyên bố “Hợp tác Nga-Trung đã đạt tầm cao nhất trong cả lịch sử hàng thế kỷ nay” và coi thiết lập quan hệ với Trung Quốc “là ưu tiên chính sách ngoại giao vô điều kiện của Nga”. Trong ảnh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp Tổng thống Putin trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 5.2014.
Ngày 6.6, lần đầu tiên Tổng thống Putin gặp tân Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, trong sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng của quân đồng minh trong Thế chiến thứ 2 tại Pháp. Hai bên đã có cuộc trao đổi chóng vánh về lệnh ngừng bắn ở khu vực miền Đông Ukraine và các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Cuộc gặp gỡ trên cũng khiến giới quan sát chú ý bởi được diễn ra trong bối cảnh Moscow liên tiếp đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây. Trong ảnh là Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại lễ kỷ niệm D-Day tại Pháp.
Thảm kịch rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines trên không phận Ukraine khiến Tổng thống Putin trở thành mục tiêu công kích của Mỹ và phương Tây khi cáo buộc chính Nga gián tiếp là thủ phạm gây ra tai nạn trên khi cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai miền Đông Ukraine. Bác bỏ các cáo buộc này, Tổng thống Putin đáp trả mạnh mẽ: "Không nên lợi dụng thảm kịch cho mục đích chính trị vị kỷ" và khẳng định Ukraine mới là nước phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này. Trong ảnh là Tổng thống Nga Putin và các thành viên chính phủ dành một phút mặc niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia.
Tổng thống Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS trong khuôn khổ loạt chuyến thăm ba nước Mỹ Latinh Cuba, Argentina và Brazil, diễn ra từ ngày 11 -16.7 và hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Ngày 26.8, tại Hội nghị Minsk ở Belarus, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp lần thứ 2 với Tổng thống Ukraine Poroshenko. Kết thúc Hội nghị Minsk, hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho khu vực miền Đông Ukraine.
Ngày 3.9, Tổng thống Putin thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Mông Cổ trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với Ukraine tiếp tục leo thang và nước Nga liên tiếp bị áp các lệnh trừng phạt về kinh tế. Trong ảnh là Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj.
Hôm 7.10, Tổng thống Putin thông báo với dư luận rằng, ông đón sinh nhật lần thứ 62 một mình tại khu nghỉ dưỡng giữa rừng Taiga, Siberia. Trong khi đó, nhiều người dân Nga thể hiện tình yêu với Putin bằng cách tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như các cuộc triển lãm, các buổi bán áo in hình Tổng thống Putin.
Ngày 6.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ hai liên tiếp vượt qua Tổng thống Mỹ Obama, trở thành người quyền lực nhất thế giới theo đánh giá của tạp chí Forbes của Mỹ. Ông Putin vượt qua 17 lãnh đạo quốc gia nhờ việc sáp nhập bán đảo Crimea, kiểm soát những bất đồng quốc tế về Ukraine và ký hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD với Trung Quốc hồi tháng 5.
Ngày 9.11, lần thứ hai trong năm 2014, Tổng thống Putin đến thăm Trung Quốc để dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Ngày 15.11, Tổng thống Putin lại tiếp tục đối mặt với sự công kích của phương Tây về Ukraine khi đến tham dự hội nghị G20 tại Australia. Các lãnh đạo phương Tây cảnh báo sẽ "cô lập nước Nga" nếu ông Putin giữ nguyên chính sách với Ukraine. Bầu không khí ngột ngạt tại G20 càng thêm căng thẳng khi Tổng thống Putin kết thúc sớm lịch trình tại hội nghị và về nước hôm 16.11.
Ngày 4.12, tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã đọc bản Thông điệp Liên bang trong đó nhấn mạnh việc nước Nga đã có một năm khó khăn nhưng tinh thần và sức mạnh sẽ là chìa khóa giúp nước Nga đương đầu và vượt qua mọi thách thức.
Mới đây, Tạp chí Time của Mỹ đề cử ông Putin là Nhân vật của năm vì những ảnh hướng lớn đến thế giới trong năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.