20ha rừng phòng hộ thủy điện bị tàn phá: Đùn đẩy trách nhiệm!

Tuy Ninh Thứ hai, ngày 30/11/2015 06:50 AM (GMT+7)
Hơn 20 ha rừng phòng hộ xung quanh lòng hồ Thủy điện Đa Mi (Bình Thuận) bị phá trắng trong vòng 2 tháng qua, nhưng đến nay các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng vẫn đùn đẩy trách nhiệm.
Bình luận 0

Tan hoang rừng

Những ngày cuối tháng 11, theo dòng suối Đa Bo xuôi vào giữa lòng hồ bằng xuồng máy, chúng tôi vào tới khu vực rừng bị phá. Chúng tôi không thể tin vào mắt mình: Hết cánh rừng này đến cánh rừng khác bị triệt hạ nằm la liệt. Men theo bờ bên trái, chúng tôi tìm thấy các lối mòn lên những khu vực bị phá trắng. Nhiều đám bị đốt, trơ lại cành cây và gốc cây cháy đen. Một khu rừng cách Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 (Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi) khoảng 500m theo đường chim bay, hàng loạt cây gỗ bị hạ cưa thành khúc, còn nằm lại rừng. Ông K - một trong số những người dẫn đường cho biết: “Thường là các đối tượng đi phát từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, chiều thì phát từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối. Cây bị hạ toàn bằng cưa máy. Ở đây, ai cũng biết vì nghe tiếng máy cưa. Không hiểu sao cán bộ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng không biết”.

img

Gổ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.  Ảnh: T.N

Theo một số người dân tại địa phương, một nhóm người ở xã Đa Mi cầm đầu, thuê mướn hàng chục người ở bên Lâm Đồng và Tánh Linh qua đây phá rừng. Ước tính đã có hơn 20ha rừng quanh khu vực lòng hồ Đa Mi bị phá nát. Ông T - một người dân thôn Daguri, xã Đa Mi cho biết: “Phá rừng là nhóm chừng 20 -30 người vào đây, phát khu vực này. Hai ba ngày người ta vào, hai ba ngày người ta lại ra. Các đối tượng đi bằng xuồng rất rầm rộ từ cầu Đa Bo xuống hồ thủy điện này”.

Đùn đẩy trách nhiệm

Điều đáng nói là, gần khu vực các cánh rừng bị phá có hai trạm quản lý và bảo vệ rừng. Đó là Trạm số 3 (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi) và Trạm Đa Mi (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà). Khu vực bị phá cách các trạm nói trên chưa đầy 1km, nhưng không hiểu tại sao rừng bị phá hơn 2 tháng nay mà không có ai bảo vệ. 

Ông Hồ Quang Đạo - Trưởng trạm Đa Mi thừa nhận gần đây lực lượng của đơn vị ông nghe tiếng máy cưa và có phát hiện những nơi bị phá như phản ánh, nhưng đó không phải là lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà, nên đơn vị không thể can thiệp. Với trách nhiệm của mình, ông Đạo đã gọi điện thông báo tình hình cho cơ quan chức năng của huyện Hàm Thuận Bắc. “Cái vùng này nằm gần ranh giới giữa hai huyện, mà thuộc về bên Hàm Thuận Bắc. Vùng bị phá này nằm trên đất của huyện Hàm Thuận Bắc khoảng hơn 150m gần ranh giới hai huyện; không đụng đến tiểu khu 337 cũng như tiểu khu 333 của Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà” – ông này khẳng định.

Nhưng khi làm việc với nhóm phóng viên, Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi lại cho rằng khu vực bị phá không thuộc rừng quản lý của đơn vị. Ông Văn Thanh Kỳ Sang - Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi nói: “Qua số liệu của cán bộ kỹ thuật đi đo, bấm về vẽ sơ đồ ra, cán bộ kỹ thuật nói không phải rừng của mình quản lý, ngoài hệ thống tiểu khu của đơn vị quản lý. Cái đó thì thuộc về của xã quản lý”.

Trong khi đó, ông Ngô Xuân Vân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Mi lại khẳng định rừng đó thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà. Hai lần trực tiếp đến xã, nhưng Chủ tịch UBND xã Đa Mi Huỳnh Anh Vũ bận đi họp.Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Vũ nói rằng chưa tận mắt thấy khu vực bị chặt phá nên không biết đó có thuộc xã quản lý hay không; nhưng đã là rừng thì phải do Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi quản lý.

Đến nay, không cơ quan nào nhận trách nhiệm quản lý các cánh rừng đang bị tàn phá ở lòng hồ Thủy điện Đa Mi. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng bị các cơ quan đá qua đẩy lại. Đó chính là cơ hội để các nhóm phá rừng tiếp tục tung hoành, phá nát rừng phòng hộ Thủy điện Đa Mi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem