Sáng 15.7, tại Nha Trang, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án giết người và tàng trữ chất nổ trái phép đối với bị cáo Nguyễn Viết Trương (SN 1956, Giám đốc Công ty TNHH Sông Mã, trú phường Phương Sơn, TP.Nha Trang), người đã nổ mìn ở cổng nhà riêng Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa.
Nguyễn Viết Trương kêu mệt nên được cho ngồi trong phiên tòa sơ thẩm ngày 15.7.
5 văn phòng luật sư từ chối bào chữaTrước đó, phiên xử sơ thẩm có lịch xử ngày 24.6 nhưng phải hoãn do vắng luật sư và theo đề nghị của bị cáo. Phiên tòa sơ thẩm ngày 15.7 vắng nhiều thành phần gồm: Bị hại là đại tá Trần Ngọc Khánh (SN 1964) - Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa (xin vắng do đang điều trị, không đủ sức khỏe để dự phiên tòa); bà Lê Thị Kim Huệ - vợ của bị cáo và 4 người làm chứng (vắng không có lý do).
Chủ tọa công bố việc bị cáo nhờ tòa thông báo đơn đề nghị bào chữa đến 5 văn phòng luật sư nhưng tất cả đều có văn bản từ chối bào chữa cho bị cáo. Vì vậy, tòa phải chỉ định luật sư bào chữa.
Ngay sau khi Hội đồng xét xử hỏi những câu hỏi thủ tục đầu tiên, bị cáo Trương đã bắt đầu không ngừng đề nghị đưa kẻ “cướp tài sản của tôi” ra xử cùng vì “có lửa mới có khói”. Trong suốt vụ xử, Trương không trả lời thẳng vào câu hỏi, chỉ nhắc đi nhắc lại về vụ kiện của mình đã không được Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa xử lý rốt ráo… Chủ tọa phiên tòa phải nhiều lần nhắc nhở “bị cáo dừng lại, nói ít thôi, hỏi gì nói đấy”.
Để gây tiếng vang công luận? Trước thái độ bất hợp tác, không chịu khai nhận hành vi phạm tội của Nguyễn Viết Trương, Hội đồng xét xử phải đọc lời khai trong hồ sơ. Nội dung lời khai như sau: “Tôi đã làm đơn khiếu nại về việc tranh chấp tài sản đến giám đốc công an tỉnh 6 năm trời và lâm vào cảnh mất hết tài sản, vợ con xa lánh... Quá cùng quẫn, tôi làm quả nổ gồm 1 lạng chất nổ, giấy, đất sét, viên bi, lấy hàn điện hàn bịt lại, lấy điện thoại cũ nối kíp nổ điện vào trái mìn tự chế... Khoảng 5 giờ ngày 30.7.2012, tôi đi xe máy đến nhà ông Khánh (54 Phan Chu Trinh, TP. Nha Trang) và mang theo quả mìn. Tôi dừng xe đối diện nhà ông Khánh, đặt mìn lên hộp đèn với mục đích đặt trên cao để gây sát thương vùng đầu ngực, ông Khánh dễ chết hơn. Khi thấy ông Khánh ra cửa, tôi gọi điện thoại vào số sim trong quả mìn để kích nổ. Trước đó, tôi xin số nhà ông Khánh từ dịch vụ 1080 và gọi điện đến nhà ông Khánh để xác định lại chỗ ở của ông Khánh…”.
Nghe xong, Trương nói, toàn bộ lời khai về mục đích cố tình giết ông Khánh mà tòa vừa đọc là không đúng. Trương cho rằng không khai như vậy, không muốn giết ông Khánh mà chỉ dùng vụ nổ “nhỏ nhẹ” để gây tiếng vang nhằm khiến các cơ quan giải quyết vụ kiện kéo dài 6 năm. Nhưng khi chủ tọa phiên tòa tiếp tục hỏi thì Trương lại không trả lời trực tiếp câu hỏi, chỉ kêu oan, kêu mệt, đòi ngồi, không khai và xin hoãn phiên tòa vì không đủ sức khỏe… Hội đồng xét xử buộc phải cho mang ghế đến trước vành móng ngựa để Trương ngồi khai.
Trong phiên xử buổi chiều cùng ngày, TAND tỉnh Khánh Hòa cho rằng dù Nguyễn Viết Trương không thừa nhận tội giết người và mua bán sử dụng trái phép chất nổ nhưng dựa theo hồ sơ vụ án, hiện trường vụ án, kết quả giám định cũng như lời khai của bị cáo, nhân chứng, vật chứng…, Viện Kiểm sát truy tố Nguyễn Viết Trương tội giết người và tội mua bán tàng trữ vật liệu nổ trái phép là đúng người, đúng tội. Vì thế, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo 23 năm tù, kể từ ngày bị tạm giam 1.8.2012.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.