|
Bà Devi và giấy tờ tùy thân mới được cấp - Ảnh: BBC |
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Barun, bang Bihar, năm 12 tuổi Devi lấy người chồng lớn tuổi qua sự sắp đặt của cha mẹ ruột. Tuy nhiên sau khi sinh con gái đầu lòng vào năm 19, Devi bị chồng hắt hủi, bạo hành, buộc bà phải dọn về nhà mẹ ruột. Vì không muốn chia tài sản và muốn đường hoàng lấy cô vợ mới, người chồng nghĩ ra mưu kế thâm độc: lo lót chính quyền để làm giấy chứng tử cho Devi.
Ngày 30.12.1988, Devi được chứng nhận đã chết khi vừa qua tuổi 40 và mất quyền hưởng gia sản. Đang sống bị công nhận “chết”, Devi khủng hoảng một thời gian dài.
Sau khi bình tâm lại, bà bắt đầu hành trình đấu tranh giành công lý cho mình. Devi gõ cửa mọi nơi, từ cảnh sát, tòa án, hội đồng thành phố đến những chính trị gia, từ địa phương đến trung ương để chứng minh mình “còn sống”. Tất cả đều vô vọng vì bà thậm chí còn không có giấy đăng ký kết hôn với chồng cũ.
23 năm lui tới mọi nơi vẫn nhận những cái lắc đầu. Năm ngoái bà gửi đơn lên hội đồng làng Barun. Thấy người phụ nữ đã 64 tuổi vẫn lặn lội tìm nơi xóa giấy báo tử, sau tám tháng xem xét các bằng chứng từ người thân, người dân trong vùng, cảnh sát, hội đồng làng này mới ra thông báo chính thức công nhận Devi “còn sống”.
Câu chuyện của Devi được đăng tải khiến dư luận vừa xúc động vì ý chí của bà vừa phẫn nộ trước cung cách làm việc quan liêu của chính quyền địa phương. “Mẹ tôi giống như được tái sinh vậy” - Bimla Devi, con gái bà, nói.
Theo Tuổi Trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.