Ô nhiễm nặng vì bãi rác không còn chỗ đổ
Theo số liệu của Công ty cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, hiện tổng lượng rác thu gom và xử lý là gần 6.800 tấn rác/tháng. Với tốc độ này, các bãi rác chỉ còn tiếp nhận rác được đến hết năm 2017. Điều đó có nghĩa rác cũng sẽ chưa biết đi đâu, về đâu trong khi bãi rác mới với quy mô lớn có khả năng “ngốn sạch” rác mỗi ngày của Hậu Giang tại xã Hòa An lại còn rất xa vời với tiến độ “ì ạch”.
Rất nhiều người đến bãi rác Kinh Cùng để mưu sinh. Ảnh: T.L
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã có buổi làm việc với Công ty Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, chỉ đạo cụ thể: Trong khi chờ xây dựng bãi rác mới cần sớm khắc phục ô nhiễm để bảo vệ môi trường, đảm bảo mỹ quan và sức khỏe nhân dân; đồng thời yêu cầu đơn vị thi công tăng tốc để hoàn thành tiến độ xây dựng bãi rác Hòa An đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu.
|
Đáng lo ngại hơn khi bãi rác Tân Tiến hoạt động gần 20 năm nay, nhưng từ năm 2013 đến nay, khi bãi rác Tân Long đóng cửa, bãi rác này đã hoạt động với công suất lớn hơn. Trung bình mỗi tháng có hơn 130 tấn rác thải sinh hoạt từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được vận chuyển về tập kết, chôn lấp tại đây khiến bãi rác quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dù theo quy định, bãi rác này phải đóng cửa năm 2016, nhưng đến nay vẫn hoạt động bình thường để
“giải cứu” rác thải ngày càng dày đặc và tất nhiên ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng là điều tất yếu.
Ông Võ Văn Thành - ngụ xã Tân Tiến bức xúc nói: “Người dân ở đây trông đợi từng ngày bãi rác tạm này ngừng hoạt động để bà con được trả lại bầu không khí trong lành, con nít không còn bệnh như trước. Vậy mà tới nay gần 2 năm rồi đâu vẫn hoàn đấy, rác thải ngày càng nhiều hơn trước”.
Nếu trước đây, bãi rác Kinh Cùng chỉ quy hoạch xây dựng làm nơi trung chuyển rác với số lượng hạn chế trong khi chờ bãi rác Hòa An đi vào hoạt động, hiện tại nơi đây đã trở thành bãi rác thực sự với lượng rác khổng lồ. Trung bình mỗi tháng, bãi rác này phải tiếp nhận trên 1.300 tấn, cao gấp 3 lần so với sức chứa hiện có nên việc ảnh hưởng mùi hôi đến khu dân cư xung quanh là điều không thể tránh khỏi.
Để giải quyết tạm thời vấn đề này, Công ty cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đã thường xuyên phun hóa chất để giảm mùi hôi phát tán và diệt côn trùng, bơm hút lượng nước rỉ từ rác đem về bãi rác Tân Tiến để xử lý vì theo quy hoạch, bãi rác Kinh Cùng chỉ là bãi rác trung chuyển nên không có xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác.
Còn phải chờ đợi
Ông Dương Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang lo lắng nói: “Chúng tôi đã làm hết khả năng để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực. Nhưng nếu thời gian kéo dài, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Hiện nay, đối với lượng rác đổ vào mỗi ngày, công ty đã triển khai các biện pháp khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường; thường xuyên phun chế phẩm sinh học diệt mùi hôi, diệt ruồi muỗi, côn trùng và phủ bạt kín lượng rác tồn đọng để không bị nước mưa thấm qua rác thải tràn ra làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, công ty cũng đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang mở rộng quy mô diện tích bãi rác Long Mỹ, Kinh Cùng nhằm đảm bảo có nơi chứa rác.
Tuy nhiên, theo tính toán, trong năm 2017, cả 2 bãi rác Kinh Cùng và Tân Tiến sẽ đóng cửa. Riêng bãi rác Long Mỹ cũng có khả năng chứa đến cuối năm 2018 là chấm dứt, trong khi bãi rác Hòa An với quy mô lớn và hiện đại vẫn chưa có tín hiệu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.