3 cây 'quái thú' vẫn chưa thể rời khỏi địa phận Thừa Thiên-Huế

An Sơn Thứ hai, ngày 07/05/2018 18:18 PM (GMT+7)
Một số chuyên gia về thực vật tại Thừa Thiên - Huế cho biết, mặc dù các cây “quái thú” được trồng tạm ở tỉnh đã mọc lá non nhưng rất có thể cây chỉ đang “sống giả”.
Bình luận 0

Về vụ 3 cây “quái thú” bị mắc kẹt tại Thừa Thiên - Huế, ngày 7.5, một số chuyên gia về thực vật tại Huế nhận định, mặc dù các cây này đã mọc lá non nhưng rất có thể cây chỉ “sống giả”.

Cụ thể, theo các chuyên gia này, do các cây chỉ đang trồng tạm, gốc cây không được chôn sâu xuống đất nên gốc cây rất khó ra rễ. Đây là nguyên nhân khiến cây không lấy được nước và chất dinh dưỡng từ trong đất dẫn đến cây bị chết dần.

img

3 cây "quái thú" đang phải trồng tạm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vì chưa có giấy phép vận chuyển. Ảnh: Trần Hòe. 

Về nguyên nhân vì sao cây bị chết dần nhưng vẫn ra lá non, các chuyên gia lý giải là do sức sống của cây đa rất mãnh liệt. Cụ thể, do các bộ phận ở cây đều dự trữ lượng nước và chất dinh dưỡng nhất định nên bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tồn tại của cây trong một thời gian 1-2 tháng, vì vậy cây không bị chết ngay và vẫn ra lá non.

Cùng ngày, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh này đang làm văn bản báo cáo Chính phủ theo chỉ đạo.

Theo ông Khanh, việc chủ sở hữu vận chuyển các cây “khủng” trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vấn đề hiện nay là chủ cây phải xin giấy phép vận chuyển của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT).

Ông Khanh nói, vì thẩm quyền thuộc Tổng cục Đường bộ nên Tổng cục này cũng có trách nhiệm hướng dẫn cho chủ cây về việc làm thủ tục xin giấy phép vận chuyển.

Trước đó, vào ngày 5.5, ông Khanh cho biết, ông được Sở GTVT báo cáo là Tổng cục Đường bộ yêu cầu phải hạ tải nhưng chủ cây chưa hạ tải nên chưa được cấp phép.

Hiện 3 cây “quái thú” đang được trồng tạm trên đất của một hộ dân ở phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Chính quyền phường Thủy Châu cho biết, do các cây này chỉ được trồng tạm nên sẽ gây nguy hiểm thường trực đối với nhà dân, bởi vào mùa mưa bão cây có thể bị bật gốc bất cứ lúc nào.

img

Hiện cả 3 cây "quái thú" đã ra nhiều chùm lá non sau một thời gian được trồng tạm nhưng chuyên gia lo ngại cây chỉ "sống giả". Ảnh: Trần Hòe. 

Trước đó, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh liên quan đến phương tiện chở cây xanh quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao người đứng đầu các bộ Công an, GTVT trực tiếp chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các thông tin mà báo chí phản ánh như trên, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm (nếu có).

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan có biện pháp giải quyết dứt điểm trước ngày 7.5.2018 đối với 3 cây cổ thụ đang được trồng tạm trên địa bàn, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Như tin đã đưa, vào tối 30.3, có 3 xe mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Bình chở cây cổ thụ giống như “quái thú” lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng Nam - Bắc qua địa phận xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế thì bị CSGT phát hiện.

Theo CSGT Thừa Thiên - Huế, 3 xe chở cây đều vượt quá chiều dài, quá tải cầu đường từ 20-50%, vượt quá chiều cao hàng hóa.

Trạm CSGT Phú Lộc đã xử phạt chủ 3 xe chở cây cổ thụ khổng lồ số tiền 81,7 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe của các tài xế vi phạm từ 1 đến 3 tháng. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế lập biên bản tạm giữ 3 cây “khủng” để xác minh làm rõ.

Sau nhiều ngày xác minh, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phát hiện chủ cây là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) cung cấp hồ sơ về địa điểm khai thác 1 trong 3 cây không đúng với thực tế. Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản xử phạt đối với ông Chương số tiền 750.000 đồng.

Đến nay, sau nhiều ngày được trả lại cho chủ sở hữu, do vẫn chưa được cấp giấy phép vận chuyển phù hợp nên các cây “quái thú” trên chưa thể rời khỏi địa phận Thừa Thiên - Huế.

Ngày 4.4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT vào cuộc kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường qua nhiều tỉnh thành.

Sau đó, Cục CSGT (C67 - Bộ Công an) đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh xe chở cây khổng lồ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Theo báo cáo của C67, sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công an, Cục đã cử 2 tổ công tác kiểm tra, xác minh phản ánh.

Trên cơ sở báo cáo của Phòng CSGT 19 tỉnh mà xe chở cây đa cổ thụ đi qua, C67 khẳng định chưa đủ cơ sở để quy kết có hay không việc “bảo kê”, “tiêu cực” của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đối với xe tải vận chuyển cây quá khổ, quá tải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem