Vụ 3 công an "bắn nhầm" dê của dân ở Hà Nội và hướng xử lý dưới góc nhìn của luật sư

Quang Trung Thứ ba, ngày 27/06/2023 16:41 PM (GMT+7)
3 công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức bị tước danh hiệu Công an nhân dân, tạm giữ hình sự vì dùng súng săn "bắn nhầm" hai con dê của người dân.
Bình luận 0

3 công an "bắn nhầm" dê của dân ở Hà Nội bị tạm giữ hình sự

Ngày 27/6, liên quan vụ công an "bắn nhầm" dê của người dân ở huyện Mỹ Đức, Công an TP Hà Nội cho biết, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức.

3 công an "bắn nhầm" dê của dân ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

2 con dê bị bắn chết, cho lên cốp ô tô mang đi. Ảnh người dân cung cấp.

Những trường hợp này gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng.

Đồng thời, Công an TP Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "trộm cắp tài sản", tạm giữ hình sự 3 cán bộ kể trên để xử lý theo quy định.

Theo điều tra, ngày 26/6, 3 cán bộ kể trên đi ô tô, mang theo 1 khẩu súng hơi vào khu vực núi Mào Gà, thôn Ái Nàng (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) để bắn chim. Trong lúc đi săn, nhóm này đã bắn chết 2 con dê của người dân và cho vào cốp xe ô tô, rồi đi về.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an thành phố, Công an huyện Mỹ Đức khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ vụ việc.

Ngoài tạm giữ hình sự, tước danh hiệu Công an nhân dân 3 cán bộ kể trên, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cũng chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy có liên quan trong việc quản lý để cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu Công an huyện Mỹ Đức gặp trực tiếp xin lỗi và bồi thường đối với gia đình người bị hại.

3 công an "bắn nhầm" dê của người dân có thể bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản của người dân, làm xấu đi hình ảnh của người lực lượng Công an nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm.

Bước đầu, Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản là đã xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, nếu có đủ căn cứ xác định 3 cán bộ công an đã thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố bị can.

Vị chuyên gia cho biết, theo quy định pháp luật, hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự. Tài sản trộm cắp cắp càng lớn mức phạt càng cao.

Vì vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai 3 đối tượng, thu thập chứng cứ, xác định giá trị tài sản mà các đối tượng đã thực hiện để làm căn cứ xử lý, định khung hình phạt.

"Nếu bị chứng minh có tội và giá trị tài sản trộm cắp không lớn, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác, các đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 173.

Bà Thơ phân tích thêm, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt.

Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản so với các tội xâm phạm quyền sở hữu khác là người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật di chuyển bất hợp pháp tài sản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản này.

Hành vi lén lút được xem là đặc điểm mang tính riêng biệt của tội trộm cắp tài sản. Và đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem