Đó là nữ tiến sĩ giành giải thưởng Kovalevskaia vì những cống hiến nổi bật trong khoa học; giáo sư tại Đại học Indiana, Hoa Kỳ; tiến sĩ nổi bật giảng dạy và thảo luận chính sách công ở Việt Nam.
3 gương mặt người Việt nổi bật sinh năm 1973 (Quý Sửu)
PGS.TS Trần Vân Khánh
Tháng 3/2018, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 đã được trao PGS.TS, Bác sỹ Trần Vân Khánh, là người Việt Nam đầu tiên triển khai thành công liệu pháp điều trị gen sử dụng mô hình tế bào.
PGS.TS. Trần Vân Khánh, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội sinh năm 1973.
PGS.TS Khánh đã công bố 170 bài báo trong và ngoài nước. Trong đó 21 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế; 149 bài được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước. Đào tạo: 9 Tiến sỹ; 6 NCS, 10 Thạc sỹ và trên 20 Khóa luận tốt nghiệp.
PGS.TS Khánh, đã chủ trì 9 đề tài (2 đề tài cấp nhà nước trong đó 1 đề tài thuộc chương trình KC04 của Bộ Khoa học và Công nghệ, 1 đề tài thuộc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia); 4 đề tài cấp Bộ Y tế ; 1 đề tài nhánh cấp nhà nước. Hiện, PGS Khánh đang chủ trì nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ.
Đặc biệt, PGS.TS Khánh cùng nhóm nghiên cứu đi sâu vào triển khai nghiên cứu những bệnh lý di truyền phổ biến nhất. Hướng nghiên cứu này phục vụ chẩn đoán trước sinh các bệnh lý di truyền, chẩn đoán người mang gen và tư vấn di truyền cho các bệnh nhân và các thành viên gia đình có quan hệ huyết thống với bệnh nhân.
Phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học này đã tiến hành chẩn đoán phôi bằng kỹ thuật phân tích gen chỉ từ 1 tế bào được sinh thiết trên phôi thụ tinh ống nghiệm trong 3 ngày đầu. ha
Sau đó lựa chọn những phôi hoàn toàn không có bất thường về nhiễm sắc thể và gen để cấy trở lại tử cung người mẹ. Đây là giai đoạn chẩn đoán sàng lọc rất sớm, đảm bảo hầu hết các trẻ sinh ra không mắc các bệnh lý di truyền.
Trước đây, khi kỹ thuật này chưa được triển khai ở Việt Nam, các gia đình phải sang Thái Lan hoặc các nước phát triển khác để thực hiện kỹ thuật với chi phí lên tới trên 500 triệu đồng.
Thành công của kỹ thuật này ở Việt Nam sẽ giúp giảm chi phí đáng kể xuống chỉ còn 1/2-1/3 so với chi phí thực hiện ở nước ngoài. Đề tài được tiến hành trên 2 bệnh là loạn dưỡng cơ Duchenne và hemophilia A, tiến tới sẽ mở rộng hơn cho các bệnh lý di truyền khác.
Với nhu cầu lớn về thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản ở nước ta hiện nay thì đây sẽ là quy trình kỹ thuật có khả năng ứng dụng rộng rãi và hiệu quả để phục vụ người dân.
Giáo sư Trần Ngọc Anh
Giáo sư Trần Ngọc Anh, sinh năm 1973, tốt nghiệp tiến sĩ chính sách công tại trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Hiện anh đang là giáo sư, nghiên cứu giảng dạy về các vấn đề như tính minh bạch, tham nhũng, phát triển kinh tế, và mạng lưới chính trị của các nước đang phát triển tại đại học Indiana ở thành phố Bloomington, Hoa Kỳ.
Anh là một thành viên trong nhóm Đối Thoại Giáo dục của giáo sư Ngô Bảo Châu, nhóm gồm các giáo sư Việt Nam đang giảng dạy ở các đại học danh tiếng của thế giới, nghiên cứu về đổi mới hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Giáo sư Ngọc Anh là giám Đốc Chương trình Sáng kiến Việt Nam tại Đại học Indiana, cũng là người khởi kiến sáng kiến "Dân chấm điểm M.Score" thực hiện đầu tiên ở Quảng Trị.
Từ đầu năm 2015, anh đã trở thành phó giáo sư ở Đại học Indiana.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, sinh năm 1973, quê quán ở Hà Nội là tiến sĩ kinh tế học.
Trong thời gian du học, anh đã tham gia các hoạt động của du học sinh rất tích cực, nhất là trong vai trò một người sáng lập US Guide hỗ trợ tư vấn du học Mỹ.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp anh đã về nước làm việc tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, với vị trí Giám đốc nghiên cứu cho đến nay.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đã thành công và khẳng định được tên tuổi của mình khi theo đuổi việc nghiên cứu, giảng dạy và thảo luận chính sách công ở Việt Nam.
Không chỉ những người trong giới mà rất nhiều lãnh đạo cao cấp cũng như đông đảo công chúng thường xuyên dõi theo những phân tích sắc sảo của anh với một sự bình tâm trên tinh thần xây dựng và tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ông cũng giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Chương trình Đào tạo Lãnh tạo cấp cao Việt Nam (VELP). Đây là chương trình hợp tác chung của Trường Havard Kennedy mà Đại học Fulbright tiếp tục theo đuổi.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng là thành viên Nhóm tư vấn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Ủy ban Khoa học tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Ông được công chúng biết tới rộng rãi nhờ những bình luận và phân tích thường xuyên về các vấn đề chính sách kinh tế trên các phương tiện truyền thông trong nước.
Từ 2013 đến 2015, Tiến sĩ Tự Anh đã được mời làm nghiên cứu giảng dạy tại những trường đại học hàng đầu trên thế giới như trường Đại học Oxford và trường Đại học Princeton. Ông từng là nghiên cứu viên tại trường Kennedy, Đại học Harvard. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Boston.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.