3 “nút thắt” của kỳ thi quốc gia

Đỗ Tấn Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Ngãi Thứ hai, ngày 15/09/2014 11:38 AM (GMT+7)
Gộp 2 kỳ thi thành 1, nếu được tổ chức, thực hiện thành công sẽ đem lại lợi ích to lớn. Tuy nhiên, ở góc độ là thầy giáo đang giảng dạy và quản lý trực tiếp gần 20 năm tại trường THPT, tôi vẫn còn quan ngại về 3 “nút thắt” của kỳ thi này.
Bình luận 0

Lo học sinh học lệch

Thứ nhất là về môn thi, theo phương án để được công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu). Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Như vậy, về số lượng môn thi để xét tốt nghiệp THPT giống như năm ngoái, chỉ khác đưa môn ngoại ngữ thành môn bắt buộc, thí sinh chỉ được tự chọn 1 môn thay vì 2 môn như năm 2014. Như vậy, những thí sinh muốn xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trừ thi khối D, các khối, ngành khác, kể cả ngành, trường đặc thù thì phải thi thêm từ 1 - 2 môn. Trong khi đó, thực trạng học lệch đang phổ biến, môn thi ít, học trò chỉ cần đầu tư, chuyên chú học mấy môn để thi, còn những môn khác thì rất lơ là, học đối phó, thậm chí bỏ luôn, nếu thầy cô, nhà trường cũng dễ dãi, cho qua, học sinh sẽ hổng các kiến thức cơ bản.

Lo trường “tự tung tự tác”

Thứ hai là về cộng điểm kết quả học tập, theo phương án, Bộ GDĐT vẫn tiếp tục lấy kết quả học tập các môn văn hóa cuối năm lớp 12 để công nhận tốt nghiệp THPT như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã làm. Về mặt lý thuyết, nó có ý nghĩa rất tốt, hình thành cho học sinh ý thức phấn đấu, học tập căn cơ, toàn diện ngay trong quá trình học. Nhưng việc dùng điểm này liệu có đảm bảo tính đồng bộ, nghiêm túc, chính xác, khách quan như bình thường hay không?

Quan ngại này của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở vì trước đây, Bộ GDĐT có quyết định tuyển thẳng vào đại học những học sinh có học lực loại giỏi và thi tốt nghiệp loại giỏi. Biết được lợi ích lớn đó nên người ta đã thi nhau dàn xếp với giáo viên, nhà trường cho điểm thật cao, xếp loại thật thoáng, số học sinh được tuyển thẳng đại học các năm sau nhiều đến bất thường. Thấy không ổn trong thực hiện quyết định trên, mấy năm sau, Bộ phải bỏ. Giờ không kiểm soát được, vẫn cứ để cho cơ sở giáo dục bên dưới “tự tung tự tác” thì e không ổn.

Lo không đồng bộ, khách quan

Thứ ba là về cách thức tổ chức coi thi và chấm thi do các trường ĐH-CĐ và các Sở GDĐT. Chắc chắn, phần nhiều học sinh lớp 12 sẽ chọn thi ở các cụm, trường ĐH-CĐ vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét ĐH. Theo tôi, ở các cụm, trường ĐH-CĐ thì tương đối ổn. Nhưng ở các hội đồng coi thi tại địa phương thì lại rất đáng lo, vì dễ có chuyện mỗi địa phương không giống ai, mỗi hội đồng một vẻ. Coi thi dễ dãi, tiêu cực, chấm thi thông thoáng… dẫn đến kết quả thi hai nơi có khác biệt lớn. Điểm thi ở địa phương thì cao, điểm thi ở đại học thì thấp tạo nên sự thiếu công bằng.

Chỉ khi Bộ giải quyết được 3 nút thắt trên thì mới hy vọng việc đổi mới thi cử được công bằng và có tác dụng tốt để đổi mới học tập.

  Kỳ thi đổi mới này, quan trọng nhất là các tỉnh, các trường phải dám đổi mới. Ai dám chắc, một số nhà trường, thầy cô sẽ không còn  “bệnh” thành tích, cho điểm lên cao… đến trời, học sinh tha hồ hưởng lợi, nhất là các trường THPT ngoài công lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem