Quân đội Nga thời kỳ cổ trung đại từng giành nhiều chiến thắng oanh liệt trước kẻ thù xâm lược để bảo vệ lãnh thổ, nhưng cũng không ít lần phải hứng chịu thất bại thảm hại, theo RBTH.
Trận chiến bên sông Kalka
Năm 1223, Nga đem quân hỗ trợ bộ lạc du mục Cuman ở phía nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mông Cổ. Một đội quân 40.000 người giữa Nga và Cuman được thành lập để đối đầu với quân Mông Cổ trên bờ sông Kalka, khu vực Donetsk ở đông Ukraine ngày nay.
Tuy nhiên, khả năng phối hợp tác chiến lỏng lẻo của liên minh này khiến họ phải hứng chịu thảm bại trước quân Mông Cổ được tổ chức tốt hơn rất nhiều. Đội quân của các hoàng thân Nga không thể phối hợp được với nhau cũng như với người Cuman, vốn từng là kẻ thù của họ.
Với khả năng tấn công chính xác và năng lực hiệp đồng tốt, quân Mông Cổ nhanh chóng đè nát liên quân Nga - Cuman, tiêu diệt tới 90% binh lực của liên minh này.
Nhiều hoàng thân Nga bị bắt làm tù binh sau trận chiến. Quân Mông Cổ ném họ xuống một rãnh hào nông, dùng các tấm gỗ đè lên để tạo thành sân khấu cho các chiến binh làm lễ khao quân. Các nạn nhân đều bị chết vì nghẹt thở và xương cốt bị gãy nát.
Trận đánh được ví như phép thử đầu tiên về khả năng chống trả quân Mông Cổ của Nga, nhưng họ đã không thể vượt qua thử thách này. Sau thất bại, nỗi sợ hãi và hoảng loạn về họa xâm lăng lan tràn lên toàn bộ lãnh thổ Nga. Thảm họa thực sự kéo đến 14 năm sau, khi kỵ binh Mông Cổ bắt đầu tràn vào nước Nga năm 1227.
Trận Narva
Đầu thế kỷ 18, đại chiến Bắc Âu nổ ra như một kết quả tất yếu từ sự cạnh tranh giữa một thế lực mới nổi là Nga và cường quốc đang đi xuống là Thụy Điển. Tuy nhiên, trước khi giành chiến thắng lớn ở Poltava năm 1709, Nga đã phải nếm một thất bại đáng xấu hổ tại Narva vào năm 1700.
Trong trận Narva, Nga có 40.000 quân chống lại 9.000 quân Thụy Điển. Dù chiếm ưu thế vượt trội về quân số, quân Nga chủ yếu là những người lính không được huấn luyện bài bản đã không thể đẩy lùi các cuộc tấn công được tổ chức rất tốt của Thụy Điển.
Quân Nga lập tức hứng chịu thương vong nặng nề, khiến binh sĩ rơi vào tình trạng hoảng sợ và rối loạn, trong khi các sĩ quan lũ lượt kéo nhau ra đầu hàng.
Nga và Thụy Điển đã rút ra những bài học khác nhau sau trận Narva. Trong khi Peter Đại đế thúc đẩy việc hiện đại hóa quân đội, vua Charles XII lại tin rằng Nga không còn là một mối đe dọa lớn và phải trả giá cho sai lầm này 9 năm sau ở Poltava.
Trận Austerlitz
Sau Đại chiến Bắc Âu, quân đội Nga không thua thêm một trận chiến lớn nào cho đến khi bị quân đội Pháp của Napoleon đè bẹp tại chiến trường Austerlitz năm 1805.
Trận Austerlitz còn được biết tới với cái tên Trận chiến của Ba Hoàng đế: Napoleon (Pháp), Alexander I (Nga) và Francis II (Áo), trở thành một trong những cột mốc quan trọng trong chiến dịch xâm chiếm châu Âu của Hoàng đế Pháp.
Với 65.000 quân, Napoleon đã đánh bại 84.000 lính của liên quân Nga - Áo. Nhờ sử dụng hiệu quả các thông tin tình báo, Napoleon không chỉ đẩy lui được các cuộc tấn công mà còn phản công đập tan đội hình đối phương. Nga và Áo đã tổn thất 27.000 quân trong khi Pháp chỉ mất 9.000 binh sĩ. Để tránh bị bắt, hai hoàng đế Alexander I và Francis II buộc phải tháo chạy.
Thất bại Austerlitz đã gây ra cú sốc với dư luận Nga, vốn vẫn coi quân đội của họ là bất khả chiến bại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.