3 trận thủy chiến “kinh điển" trên sông Bạch Đằng: Ghi dấu tài trí của người Việt

Thứ sáu, ngày 29/11/2024 07:30 AM (GMT+7)
Sông Bạch Đằng là nhân chứng lịch sử cho ba trận thủy chiến vang danh, đánh dấu những mốc son trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Các trận chiến này, diễn ra vào các năm 938, 981 và 1288, đã góp phần quan trọng vào việc chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc và khẳng định chủ quyền quốc gia.
Bình luận 0

Đây là những trận thắng quyết định, buộc kẻ thù phải bỏ mộng xâm chiếm nước ta, nền độc lập nước nhà được giữ vững.

Ba trận thủy chiến "vàng" trên sông Bạch Đằng - Ảnh 1.

Tranh minh họa trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: ITN.

Chiến thắng của Ngô Quyền năm 938

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", năm 938, theo sự cầu cứu của Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán sai con trai Hoằng Tháo kéo 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Biết tin, Ngô Quyền không hề nao núng, ông cho rằng Hoàng Tháo chỉ là đứa trẻ khờ dại, quân Nam Hán từ xa đến mệt mỏi, khó lòng địch với quân ta.

Theo kế của Kiều Công Hãn, Ngô Quyền sai Dương Tam Kha chỉ huy quân lính chặt ba nghìn cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm.

Đúng như dự đoán của Ngô Quyền và tướng lĩnh, khi binh thuyền của Hoằng Tháo kéo vào cửa sông Bạch Đằng, phát hiện quân ta khiêu chiến. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể dễ dàng đánh bại, liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh.

Bất ngờ bị quân ta từ các hướng xông ra tấn công dồn dập, quân Nam Hán thua chạy ra biển. Nhưng khi chúng rút ra tới cửa sông, lúc này, thủy triều đã rút mạnh, bãi cọc Bạch Đằng nhô lên, khiến thuyền địch mắc lại và vỡ tan tành. Quân Nam Hán phần bị giết, phần chết đuối, phần phải đầu hàng hoặc bị bắt sống. Lưu Hoàng Tháo bỏ mạng tại trận.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, đành thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui, từ đó bỏ hẳn mộng xâm lược nước ta".

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có thể coi đây là trận toàn thắng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, giành lại độc lập dân tộc.

Lê Hoàn tiêu diệt quân Tống

Với âm mưu xâm lược nước ta đã có từ trước, lại biết tin cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị ám sát, vua mới Đinh Toàn còn nhỏ tuổi, nhà Tống xuống chiếu phong Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực giữ chức Binh mã đô bộ thự, chia thành hai mũi tấn công thủy - bộ kéo sang xâm lược nước ta.

Trước âm mưu xâm lược của kẻ thù, để bảo vệ nền độc lập nước nhà, Thái hậu Dương Vân Nga cùng đình thần đã tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua, chuẩn bị ứng phó với kẻ thù xâm lược. Nhà Tiền Lê được thành lập vào nămn 980, thay thế cho nhà Đinh.

Vua Lê Hoàn thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy ra Bắc nghênh địch. Ngày 24/1/981, cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng.

Trong trận Bạch Đằng đầu tiên này, quân Đại Cồ Việt đã thất bại. Tuy nhiên, sau khi bộ binh thất bại ở các trận Chi Lăng, Lục Đầu, Bình Lỗ, quân Tống bị tiêu hao một lực lượng lớn sinh lực cũng như vũ khí, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, hội quân ở Đại La thất bại hoàn toàn, đạo quân của Hầu Nhân Bảo ở Bạch Đằng bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Trong khi đó, vua Lê Hoàn bí mật tăng cường lực lượng chuẩn bị cho trận quyết chiến giáng đòn quyết định. Ngày 28/4/981, trận quyết chiến Bạch Đằng diễn ra. Giống như kế của Ngô Quyền trước đó, Lê Hoàn cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo rồi giả vờ thua chạy. Sách "Việt sử tiêu án" chép "Vua tự làm tướng ra chống đánh, sai sĩ tốt cắm gỗ, đầu bịt sắt để ngăn cửa sông".

Khi chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn tung quân ra đánh ráo riết. Các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các trận địa mai phục và từ các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết trong đám loạn quân. Lưu Trừng vội vã dẫn đám tàn quân tháo lui ra biển.

Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, Tôn Toàn Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy, đạo quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết lo sợ rút lui, bị quân Đại Cồ Việt truy kích tiêu diệt quá nửa. Âm mưu xâm lược nước ta của nhà Tống hoàn toàn thất bại. Nền độc lập của nước Đại Cồ Việt được giữ vững.

Hưng Đạo đại vương đại phá quân Nguyên

Sau 2 lần thất bại vào các năm 1258, 1285, cuối năm 1287, quân Mông - Nguyên lại kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 3. Tuy vậy, khi vừa kéo vào Đại Việt, đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy lập tức rơi vào khốn đốn khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đánh chìm ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Thất thủ ở Vân Đồn khiến quân Nguyên không có lương thực, rơi vào cảnh cùng quẫn, cộng với khí hậu nóng nực, sức cùng lực kiệt, binh lính nản lòng, Thoát Hoan quyết định chia quân thành 2 đạo thủy, bộ rút về nước.

Đoán được âm mưu của giặc, Hưng Đạo Vương đã sai Nguyễn Khoái dẫn quân lẻn qua đường tắt lên mé thượng lưu sông Bạch Đằng chặt gỗ, đẽo nhọn đầu, đóng trên sông rồi đặt phục binh chờ đợi.

Sáng 9/4/1288, thủy quân giặc tiến vào sông Bạch Đằng, rơi vào ổ phục kích của quân ta. Bị tấn công dữ dội, Ô Mã Nhi quay thuyền ra biển. Tuy nhiên, trên đường ra, thủy triều đã rút, cọc gỗ nổi lên, thuyền chiến lao vào bãi cọc, bị vỡ, đắm rất nhiều. Trong khi đó, phục binh của ta ở hai bên bờ đổ ra, bắn tên như mưa, đánh vào sườn và phía sau đoàn thuyền địch.

Bị tấn công tới tấp trên sông, một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ để tìm đường trốn thoát. Vừa lên tới bờ, chúng lại rơi vào ổ phục kích của quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt. Trời về chiều, khi giao tranh sắp kết thúc, Ô Mã Nhi cùng binh lính dưới quyền chống cự tuyệt vọng, trước khi bị tiêu diệt.

Trận Bạch Đằng năm 1288 hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ tiêu diệt đạo quân rút lui đường thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp. Đây là một trong những chiến công vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Một trận đánh gây chấn động của thế giới thời kỳ đó. Đạo quân xâm lược Mông – Nguyên từng gây kinh hoàng trên thế giới, chinh phục hàng triệu km2 đất đai kéo dài từ châu Á sang tận châu Phi cuối cùng thất bại hoàn toàn dưới tay quân và dân Đại Việt.

Trận đánh này chứng tỏ nhãn quan chiến thuật quân sự của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vị chỉ huy xuất sắc của cả bộ lẫn thủy binh. Đặc biệt, trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng có sự phối hợp chặt chẽ giữa quân thủy và bộ, giữa quân chủ lực với quân địa phương và dân binh.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đánh gục hoàn toàn âm mưu xâm lược nước ta của quân đội Mông Cổ. Sau trận thua ở Bạch Đằng, nhà Nguyên phải từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Đó đồng thời là một trong những chiến công vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Nói về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, danh sĩ Trương Hán Siêu trong bài "Bạch Đằng giang phú" đã viết rằng: "Đương khi ấy/ Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới/ Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói/ Trận đánh được thua chửa phân/ Chiến lũy bắc nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi… Anh minh hai vị thánh quân/ Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh/ Giặc tan muôn thuở thanh bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao".


Nguyễn Thanh Điệp (Theo Giáo Dục & Thời Đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem