3 trẻ em ở Cao Bằng tử vong do ăn quả dại: Tử thần ẩn trong vỏ đẹp

Kiều Thiện - Văn Minh - Tuấn Kiệt Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:49 AM (GMT+7)
“Ở rừng thì có nhiều loại quả, loại cây gây độc lắm. Nhưng khó nhất là những loại hoa, quả, lá cây ấy lại rất giống với những thứ vẫn ăn được nên trẻ em hoặc người thiếu kinh nghiệm rất dễ ăn nhầm” - ông Mùa A Tu - một già bản giàu kinh nghiệm về cây, lá độc trong rừng ở bản Bún, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ (Sơn La) cho biết.
Bình luận 0

Trẻ chết bởi quả hồng trâu

Ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Sở Y tế Cao Bằng vừa có thông tin về vụ ngộ độc quả dại tại xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng với 10 người mắc, trong đó 3 trẻ em tử vong.

Được biết, các em nhỏ vào rừng chăn dê, thấy quả dại tròn, màu tím rất đẹp thì hái ăn mà không biết là quả gì. Sau ăn 6 giờ (ăn lúc 16 giờ ngày 1.8), các cháu có biểu hiện cấp tính đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, men gan tăng, rối loạn điện giải do mất nước…

Các em đã được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên 2 em tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lộc và 1 em tử vong tại nhà. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị, chăm sóc tích cực tại bệnh viện.

Theo ông Trung, ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cao Bằng đã điều tra, thu thập mẫu quả gây ngộ độc và phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Trung tâm phòng chống độc – Học viện Quân Y để xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Kết quả bước đầu xác định mẫu cây, quả gây ngộ độc tại tỉnh Cao Bằng là cây hồng trâu (capparis versicolor griff.), họ màn màn (capparaceae). “Loài cây này có quả và hạt độc, tuy nhiên chưa có các nghiên cứu chi tiết về độc tính của chúng. Hiện nay Trung tâm Phòng chống độc – Học viện Quân y đang phối hợp nghiên cứu, thử nghiệm độc tính trên cùi của quả và nhân hạt cây hồng trâu trên chuột, thỏ. Phải tận diệt những loài cây độc này” – ông Trung cho biết.

Đừng ăn quả dại

Ông Mùa A Tu chia sẻ, rừng Tây Bắc có hàng chục, hàng trăm loài cây độc, nếu không biết cách phòng tránh sẽ rất dễ ngộ độc. Cây độc ít thì gây ngứa, gây nhức đầu, nôn mửa, cây có độc nhiều thì gây chết người như: Nấm độc, lá ngón, tho bọ, hạt mã tiền, hạt cây củ đậu… có những quả nhìn đẹp như trong truyện cổ tích, quả khi chín to như quả hồng, màu đỏ và rất sáng nên ai cũng thích.

Lá ngón - dù rất nhiều người biết - nhưng vẫn bị “ăn nhầm” bởi lá này rất giống với lá cây chát- loại cây người dân thường dùng ăn sống với quả chua, cá gỏi, thịt gỏi hoặc măng đắng.

Ở vùng cao, các lớp người già truyền lại cho con cháu kinh nghiệm tránh những quả độc nhưng không gọi tên riêng. Người Thái cứ gọi nó là quả độc, mắc tai côn, phắc tai côn (quả, lá chết người) để hướng dẫn con cháu tránh đi thôi.

“Chúng tôi đang yêu cầu Sở Y tế Cao Bằng nói riêng và các tỉnh vùng núi nói chung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng hoa quả, thực vật lạ, nghi ngờ độc hại để ăn uống” – ông Trung cho biết.

   Ngày 9.8.2011, tại xã Cư Róa (M’Đrăk, Đăk Lăk) có 2 trẻ tử vong và 18 trẻ nhập viện vì ăn loại quả tho bọ. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đăk Lăk đã gửi mẫu quả đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho thấy trong quả có chất cyanur.

Nếu ăn ít, ngộ độc nhẹ thì có biểu hiện kích động: Lo lắng, khó thở, lú lẫn, nhịp nhanh; nặng hơn thì sẽ có biểu hiện ức chế, thay đổi thị lực, co giật, nhịp chậm, tụt huyết áp, giảm thông khí.

Giai đoạn nặng là cơ thể bị nhược, giảm trương lực cơ và mất phản xạ, trụy tim mạch, nhiễm toan lactic nặng với độ bão hoà oxy cao trong máu tĩnh mạch hoà trộn và tử vong nhanh.
Phạm Thanh



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem