Không quân Mỹ hồi tháng 4/2017 thả một quả bom GBU-43, được mệnh danh là "Mẹ của các loại bom" (MOAB), tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ẩn nấp trong các hang động ở vùng núi Nangahar, miền đông Afghanistan. Đây là loại bom thông thường mạnh nhất trong kho vũ khí của Mỹ.
Nga cũng có loại bom tương tự, nhưng mạnh gấp 4 lần so với siêu bom MOAB của Mỹ, với sức công phá tương đương khoảng 40 tấn thuốc nổ TNT. Loại bom được gọi là "Cha của các loại bom" (FOAB) này có phạm vi sát thương gấp đôi MOAB.
Bom FOAB có sức công phá lớn nhờ sử dụng công nghệ nhiệt áp. Công nghệ này sử dụng không khí xung quanh tâm nổ để kích hoạt phản ứng đốt cháy nhiên liệu, thay vì đưa chất oxy hóa vào trong bom. Việc không phải nhồi thêm chất oxy hóa giúp bom có thêm không gian để chứa nhiều thuốc nổ hơn, tạo ra sóng xung kích siêu mạnh, siêu nóng có thể làm bốc hơi mọi thứ xung quanh tâm nổ.
Bom FAOB có cơ chế kích nổ hai giai đoạn. Đầu nổ đặc biệt nhỏ hơn sẽ được kích hoạt trước, phát tán nhiên liệu dễ cháy ra xung quanh theo hình đám mây để hòa trộn với không khí. Sau đó khối thuốc nổ đặc biệt nặng hơn 7 tấn được kích hoạt, đốt cháy gần như toàn bộ không khí xung quanh, tạo nên quả cầu lửa lớn cùng đợt sóng xung kích cực mạnh phá hủy mục tiêu.
Khác với bom MOAB, bom FOAB mới chỉ được Nga thử nghiệm nhưng chưa đưa vào tham chiến trên chiến trường, nên sức hủy diệt thực tế của nó đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi.
2. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20V Voevoda (NATO định danh là SS-18 Satan) từng được coi là tên lửa chiến lược lớn nhất và đáng sợ nhất trên thế giới. Với trọng lượng gần 210 tấn, Satan có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 750 kiloton.
Tuy nhiên, Nga đã lên kế hoạch thay thế Satan bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược Sarmat và biên chế chính thức vào giai đoạn cuối của Hiệp ước START III năm 2021.
Sarmat nhẹ hơn Satan hai lần nhưng có khả năng mang tới 17 đầu đạn hạt nhân độc lập với sức công phá 300 kiloton mỗi đầu đạn. Hơn nữa, các đầu đạn này không sử dụng quỹ đạo di chuyển parabol thông thường mà sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Chúng có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị tên lửa đối phương đánh chặn.
3. Thiết giáp "Kẻ hủy diệt"
Thiết giáp BMPT Terminator (Kẻ hủy diệt) bắt đầu được Nga nghiên cứu và phát triển từ sau cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, khi quân đội Nga hứng chịu những thiệt hại nặng nề cả về người và phương tiện từ sự chống trả quyết liệt của phiến quân ly khai. Nguyên nhân của những tổn thất này được đánh giá là do lục quân Nga thiếu một phương tiện chống bộ binh hiệu quả.
Được chế tạo với mục đích "càn quét" các căn cứ kiên cố của bộ binh đối phương trong mọi môi trường tác chiến, BMPT được trang bị hệ thống vũ khí mạnh mẽ và đa dạng.
Tháp pháo BMPT được lắp đặt 2 khẩu pháo tự động nòng kép 2A42 30 mm (850 viên) với tốc độ bắn lên tới 200 viên/phút, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau.
Bên cạnh hai pháo chính là 4 ống phóng tên lửa chống tăng điều khiển từ xa Ataka-T, có thể bắn nhiều loại đầu đạn, trong đó có đạn HEAT để tiêu diệt các mục tiêu có giáp phản ứng nổ. Nhờ việc sử dụng nhiều loại đầu đạn đa dạng, BMPT được cho là có khả năng tiêu diệt mọi loại xe tăng, các cứ điểm kiên cố, cũng như trực thăng bay thấp của địch.
Ngoài ra, BMPT còn sở hữu 2 súng phóng lựu AG-17D (600 quả) và một súng máy đồng trục 7,62 mm có khả năng càn quét cực mạnh nhằm tiêu diệt bộ binh trú ẩn trong các công sự kiên cố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.