Vì sao quân đội Nga bị mất nhiều tướng tá ở Ukraine?
Vì sao quân đội Nga bị mất nhiều tướng tá ở Ukraine?
Đại Dương
Thứ hai, ngày 18/04/2022 20:30 PM (GMT+7)
Việc quân đội Nga bị mất nhiều sĩ quan trung và cao cấp trên chiến trường Ukraine, theo một quan điểm trên tờ Toutiao, là thể hiện ở một số vấn đề liên quan đến tác chiến.
Hôm 16/4 vừa qua, chính quyền thành phố St. Petersburg xác nhận, Thiếu tướng Vladimir Petrovich Frolov, phó chỉ huy Tập đoàn quân số 8 của Nga, đã thiệt mạng khi tham chiến ở Ukraine. Nhà chức trách St. Petersburg đã tổ chức lễ truy điệu Thiếu tướng Frolov ở nghĩa trang Serafimovskoe. Tham dự buổi lễ có Thị trưởng thành phố St. Petersburg Alexander Beglov.
Ngoài ông Frolov, nhà chức trách Nga đã thừa nhận 3 sĩ quan cấp tướng khác tử trận trên chiến trường Ukraine. Những người này gồm Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, Thiếu tướng Vitaly Gerasimov và Trung tướng Yakov Rezantsev.
Trong khi đó, quân đội Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt ít nhất 8 sĩ quan cấp tướng của Nga kể từ khi chiến sự bùng phát.
Việc quân đội Nga bị mất nhiều sĩ quan trung và cao cấp trên chiến trường Ukraine, theo một quan điểm trên tờ Toutiao của Trung Quốc, là thể hiện ra mấy vấn đề sau:
Thứ nhất là chứng tỏ công tác tình báo của quân đội Ukraine đã làm tốt.
Ta biết rằng trên chiến trường, nếu muốn nhắm vào tướng của đối phương là điều không dễ dàng. Trong quá khứ, thường thường là sau khi đánh tan được bộ đội của đối phương thì mới có thể bắt sống hoặc tiêu diệt được tướng của đối phương. Tuy nhiên lần này ở Ukraine không như vậy, phía Nga có ưu thế binh lực nhưng lại mất nhiều tướng tá. Điều này rõ ràng cho thấy là phía Ukraine đã biết trước vị trí và hành động của chỉ huy quân Nga, như vậy tức là công tác tình báo của Ukraine đã làm tốt.
Thứ hai là nói lên rằng phía Ukraine cũng có vũ khí tiên tiến.
Bởi lẽ cho dù có biết vị trí quân doanh nhưng nơi đó thường xuyên có trọng binh bảo vệ, lính bắn tỉa bình thường rất khó hạ được chỉ huy cao cấp của đối phương. Nếu có ám sát thành công thì cũng chỉ là sự kiện tình cờ, không thể nào đắc thủ nhiều lần như vậy được. Do vậy, trừ phi quân Ukraine có vũ khí tiên tiến (chẳng hạn máy bay không người lái), nếu không thì không thể nào làm được.
Thứ ba, nói lên rằng trên chiến trường phía Ukraine cũng không rơi vào thế kém.
Nếu ở trên chiến trường, một bên rơi vào thế kém tuyệt đối thì không thể nào chỉ dùng máy bay không người lái mà có thể xác định vị trí và tiêu diệt tướng lĩnh đối phương. Nếu không có quyền khống chế chiến trường thì máy bay không người lái cũng không thể nào đến được trận địa của đối phương chứ đừng nói là diệt được tướng của đối phương.
Trong khi đó, khi bình luần về việc nhiều tướng lĩnh Nga thiệt mạng tại chiến trường Ukraine, Jeffrey Edmonds, cựu Giám đốc chuyên về Nga trong Hộ đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Barack Obama nhận định, "sức ép chính trị từ Moscow có vẻ là nguyên nhân khiến nhiều sĩ quan cao cấp của Nga phải xông ra tiền tuyến". Cụ thể theo Jeffrey Edmonds, mục tiêu chính trị ở đây là phải chiếm bằng được các đô thị của Ukraine khiến tướng lĩnh buộc phải ra trận.
Tuy thế, có một cách giải thích khác là quân Ukraine dùng thông tin tình báo, trinh sát chiến trường, nhờ trình độ chiến tranh điện tử cao hơn mà "lùng và diệt" các cấp chỉ huy, tư lệnh của Nga khá hiệu quả.
Trái ngược với Nga, quân đội Mỹ thường "giữ tướng ở tuyến sau" và trong nhiều cuộc chiến, họ chưa từng bị chết tướng tại chiến trường.
Ví dụ, năm 2014, thiếu tướng Harold Greene chết tại Kabul do một người lính đồng minh Afghanistan xả súng bắn quân Mỹ vì căm thù.
Đây là vị tướng Mỹ duy nhất chết khi làm nhiệm vụ kể từ năm 1972, khi chuẩn đô đốc Rembrandt C. Robinson chết vì tai nạn trực thăng ở Vịnh Bắc Bộ ngày 8 tháng 5/1972. Hai năm trước, thiếu tướng George William Casey Sr., cũng chết trong tai nạn trực thăng ở Nam Việt Nam.
Tướng Mỹ duy nhất bị lực lượng quân Giải phóng Việt Nam bắn chết là chuẩn tướng bộ binh William R. Bond, trúng đạn vào ngực vào tháng 4/1970 ở Nam Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.