30 điểm vẫn trượt ĐH: Sự thất bại của việc sàng lọc thí sinh?

Tùng Anh Thứ hai, ngày 07/08/2017 06:20 AM (GMT+7)
Thí sinh có điểm kịch trần nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH ở các trường top đầu đã thành câu chuyện “lạ đời” được đem ra mổ xẻ trên khắp các diễn đàn sau khi các trường có danh sách trúng tuyển.
Bình luận 0

Theo công bố của trường ĐH Y Hà Nội, toàn trường chỉ có 105 thí sinh trúng tuyển mà không cần đến điểm ưu tiên đối tượng và khu vực (chiếm 8,9%). Nếu chỉ tính riêng ngành Y đa khoa (cơ sở Hà Nội) chỉ có 24 thí sinh khu vực 3 (không được cộng điểm) trúng tuyển (chiếm 5%); 452 thí sinh còn lại thuộc các khu vực khác (được cộng điểm ưu tiên). Nếu tính theo điểm thi, trong tổng số 476 thí sinh trúng tuyển ngành Y đa khoa, chỉ có 84 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ mức điểm chuẩn 29,25 trở lên.

img

Nhiều thí sinh đạt điểm kịch trần vẫn trượt nguyện vọng 1 vào các ngành "hot" (Ảnh minh họa: IT)

Tương tự, tại trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, khi điểm chuẩn trúng tuyển ngành Y đa khoa cũng là 29,25. Theo danh sách trúng tuyển, có 404 thí sinh đỗ vào ngành này. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 26 thí sinh không được cộng bất kỳ điểm ưu tiên nào, là những thí sinh thuộc khu vực 3. Cũng theo thống kê, trong tổng số 404 thí sinh trúng tuyển ngành Y đa khoa chỉ 84 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi từ 29,25 trở lên. Điều đó có nghĩa nếu không có điểm ưu tiên, 320 thí sinh (tỷ lệ 79,2%) sẽ không trúng tuyển vào ngành Y đa khoa của trường.

Trong khi đó, nhiều thí sinh được điểm tối đa 30 điểm nhưng không có điểm ưu tiên vẫn “trượt vỏ chuối” vào các trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (mức điểm chuẩn 30,25 với nữ, phía Bắc); khoa tiếng Anh của Học viện An ninh Nhân dân (điểm chuẩn 30,5 đối với nữ). Như vậy, ở các ngành “hot” này thí sinh khu vực 3 dù có đạt điểm tuyệt đối vẫn không thể bằng thí sinh có điểm thấp hơn nhiều nhưng được điểm ưu tiên lên tới 3,5 điểm.

Mức điểm chuẩn cao “khủng khiếp” của một số trường cùng với nghịch lý điểm kịch trần vẫn trượt đã khiến không ít người phải ngỡ ngàng.

Theo TS Vũ Thu Hương – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với điểm chuẩn cao trên 30 điểm thì chỉ có 2 “kịch bản” xảy ra: đề quá dễ không có sự phân hóa và việc tổ chức thi chưa nghiêm túc.

Theo bà Hương, đề thi 2 mục đích với việc dùng để tuyển sinh Đ, CĐ, tiêu chí đầu tiên đòi hỏi chính là sự phân hóa. Đề không phân hóa được nhân tài thực sự, thêm chế độ cộng điểm ưu tiên đã khiến một loạt nhân tài bị loại ra.

Đó cũng là quan điểm của TS Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học trực tuyến GiapSchool. TS Dương cho rằng: “Thí sinh 30 điểm mà vẫn trượt ĐH, nếu bỏ qua sự gian lận trong thi cử (vì chưa có bằng chứng) thì chỉ có thể giải thích bằng một trong hai lý do sau: một là do thí sinh năm nay giỏi bất thường, hai là do đề thi năm nay quá dễ. Trường hợp một khó xảy ra vì giỏi hay kém là kết quả học tập. Vậy thì chỉ còn lại lý do vì đề thi năm nay quá dễ. Vì đề dễ nên mới có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối, đến mức 30 điểm vẫn trượt ĐH”.

Theo TS Dương, thí sinh đạt điểm tối đa cho cả 3 môn mà vẫn trượt ĐH thì chứng tỏ đề thi đã thất bại trong việc sàng lọc thí sinh. Nguyên nhân sâu xa là do 2 kỳ thi này, thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, có bản chất khác nhau nên rất khiên cưỡng khi ghép lại với nhau. Một bên là đánh giá kiến thức phổ thông, còn một bên là sàng lọc người phù hợp. Đề thi năm nay đã không làm được việc này.

TS Dương cũng đề xuất để đảm bảo công bằng hơn, tránh hiện tượng thí sinh đạt 30 điểm nhưng trượt vì không điểm ưu tiên thì cần điều chỉnh lại mức điểm này. Theo TS Dương, thay bằng việc cộng dồn tất cả các mức ưu tiên khiến mức điểm lên tới 3,5 thì chỉ nên cho thí sinh có nhiều ưu tiên được chọn một mức điểm cộng cao nhất mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem