Trước những “lùm xùm” tại dự án Usilk City cùng với những con số tăng trưởng không mấy sáng sủa của STL được thông báo trong đại hội cổ đông gần đây đã khiến cho niềm tin của nhiều khách hàng bị lung lay. Thậm chí còn có thông tin “STL chết yểu”. Nhưng vẫn có những khách hàng tin vào vai vế “ông lớn” đã được tạo dựng trong nhiều năm qua của STL trên thị trường BĐS.
Chính vì vậy việc công bố về gói tín dụng 300 tỷ vay vốn từ BIDV cũng gây nên làm sóng mạnh trong dư luận khách hàng. Nhiều người coi đó là “con đường sáng” cho Usilk City nhưng cũng không ít người tỏ ra hồ nghi về con số này.
Một khách hàng tại dự án trao đổi: “Cứ cho là 300 tỷ về tay STL rồi nhưng có ai dám chắc toàn bộ số tiền đó sẽ được đầu tư vào dự án Usilk City trong khi đó STL còn đang nợ nần chồng chất”.
Dù có lạc quan nhiều khách hàng cũng tỏ ra băn khoăn: 300 tỷ nghe có vẻ là lớn nhưng với một dự án lớn như Usilk City thì liệu có như “muối bỏ bể”?
Những hoài nghi của khách hàng trước tín hiệu vui cho một dự án cũng là điều dễ hiểu đặc biệt trong tình cảnh nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó, dự án đắp chiếu hàng loạt, nguồn hàng ế ẩm “xếp xó”.
- Gói giải cứu 300 tỷ của Ngân hàng BIDV rót vào dự án Usilk City đang nhận được rất nhiều sự quan tâm nhưng cũng còn không ít những hồ nghi xung quanh vấn đề đầu tư như thế nào? Giải cứu ra làm sao? Xin ông cho biết cụ thể hơn về việc thực hiện giải ngân 300 tỷ đồng cho dự án?
Ông Trần Việt Sơn - Tổng Giám đốc STL: Trước khi làm việc với ngân hàng đề xuất ra gói tín dụng với con số 300 tỷ thì bản thân ban lãnh đạo STL đã phải ngồi tính toán rất kỹ. Hiện nay với gói 300 tỷ liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện tòa nhà 101, 102 và 103 cụm CT1 chúng tôi sẽ không làm như cách thức đầu tư của 2 năm trước là chủ đầu tư sẽ bung ra làm tất cả các hạng mục mà sẽ làm tập trung vào 3 tòa phân ra các điểm với sự trễ của mỗi tòa là hơn 3 tháng làm cuốn chiếu từng tòa một và sẽ ưu tiên cho tòa có tiến độ bàn giao sớm nhất.
Từng dòng tiền sẽ được tính toán rất kỹ để đầu tư cho hạng mục nào. Với những tòa bàn giao sớm sẽ cần hoàn thiện bao nhiêu hạng mục đồng bộ sau đó sẽ tiếp tục lần lượt theo tiến độ ưu tiên. Đó cũng sẽ là động lực để khách hàng có thể yên tâm tiếp tục đầu tư vào dự án. Và sau đó vốn sẽ tiếp tục được quay vòng để thực hiện các hạng mục trong dự án.
- Với phương thức thực hiện gói giải cứu thì cách thức vay vốn – đầu tư tại dự án đã có sự thay đổi. Thực tế, cụm CT1 đã hoàn thành đến 90%. Liệu đây có phải là cách “ăn chắc” “nắm dao đằng chuôi” của ngân hàng đối với doanh nghiệp BĐS?
Ông Trần Việt Sơn: Hiện nay bối cảnh trong bối cảnh thị trường kinh tế rất khó khăn BĐS rớt giá nên bản thân các ngân hàng chấp nhận cho vay với STL hoặc với chủ đầu tư nào khác đều có sự thay đổi hình thức.
Cụ thể tại dự án sẽ được thực hiện triển khai theo từng bước ngắn sẽ không đi theo “cả đời” dự án. Bản thân tại dự án Usilk City đang được tiến hành theo 6 tháng một. Sau 6 tháng sẽ có được cụ thể dự án đang dừng kỹ thuật ở đâu theo đúng tiến độ cam kết, khách hàng đã nộp được bao nhiêu tiền theo đúng hợp đồng ký kết.
Dòng tiền đó sẽ được các ngân hàng cho vay quản trị và bơm trực tiếp vào trong dự án chứ chủ đầu tư không dùng nguồn tiền đó để phục vụ nghĩa vụ nợ hay trả ở bất cứ đâu mà khẳng định các dòng tiền thu xếp được từ phía ngân hàng và khách hàng nộp vào chỉ trực tiếp đem lại giá trị gia tăng cho dự án đó đem lại lợi ích cho cả 3 bên là mức độ an toàn cho ngân hàng, mức độ tin cậy của khách hàng và tiến độ đạt được của chủ đầu tư.
- Như vậy việc xét duyệt đối với dự án cũng sẽ có những điểm riêng khác so với thời kỳ xét duyệt vay vốn trước kia thưa ông?
Ông Trần Việt Sơn: Hiện nay khoảng gần 600 hợp đồng mua bán giữa STL và khách hàng đều được ngân hàng xem xét chi tiết và thẩm định ở góc độ quản trị để đảm bảo dòng tiền doanh thu còn lại tại dự án thực hiện đủ nghĩa vụ chi trả cho ngân hàng và đủ triển khai thành công dự án.
Khách hàng tại dự án sẽ đóng tiền trực tiếp cho ngân hàng BIDV – Thanh Xuân. Trường hợp khách hàng tới nộp tiền tại STL thì chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng nộp tiền vào tài khoản của chúng tôi tại ngân hàng cho vay.
Thực tế trong bối cảnh hiện nay BĐS vẫn là nhóm hạn chế cho vay nên việc thẩm định được ngân hàng tiến hành rất kỹ và chi tiết. Chúng tôi đã nhiều lần giải trình, báo cáo chứng minh những cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp cũng như thăm dò thị trường tìm hiểu khách hàng ngân hàng mới quyết định cho doanh nghiệp vay.
Ngân hàng sẽ xem xét trên cơ sở với mức độ chi phí đầu tư còn lại mà doanh nghiệp phải bỏ ra cộng với nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp so sánh với khoản doanh thu mà thu lại được khi doanh nghiệp giao nhà cho khách hàng cân đối giữa chi phí và doanh thu như vậy ngân hàng sẽ đưa ra cơ sở xem xét cho vay. Bên cạnh đó niềm tin của khách hàng đối với thị trường BĐS khi doanh nghiệp bàn giao nhà cũng sẽ dần được cải thiện.
Trong cuộc chiến trụ lại thị trường của các doanh nghiệp BĐS hiện nay với việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn huy động thì sự an toàn là đích mà các ngân hàng ngắm đến khi đầu tư. Sự dịch chuyển trong cách đầu tư – vay vốn giữa ngân hàng – doanh nghiệp đang có những cải cách.
Tiến từ những bước ngắn thị trường BĐS liệu có tạo được “cú hích” cho sự đột phá giữa sự ảm đạm, đóng băng của thị trường trong suốt gần 2 năm qua?
Phương Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.