3.000 cây hoa giấy bị nhổ trên quốc lộ: Có thể khởi tố hình sự
3.000 cây hoa giấy bị nhổ trên quốc lộ: Có thể khởi tố hình sự
Võ Hồng Nhân
Thứ năm, ngày 21/05/2020 06:40 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc 3.000 cây hoa giấy bị nhổ trên quốc lộ 19 mới (Bình Định), luật sư Đặng Văn Cường cho biết, dù giá trị tài sản không lớn nhưng đây là tài sản quốc gia và có thể khởi tố hình sự.
Như Dân Việt đã đưa tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh này về vụ việc 3.000 cây hoa giấy bị nhổ trộm trên QL19 mới.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Tuy Phước, TP.Quy Nhơn chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm việc trộm cắp tài sản nhà nước trên Quốc lộ 19 mới, theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND huyện Tuy Phước và UBND TP. Quy Nhơn có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6.
Như Dân Việt thông tin, thực trạng nhổ trộm 3.000 cây hoa giấy ở Quốc lộ 19 mới (tỉnh Bình Định) đang là vấn nạn, hành động xấu xí dấy lên sự bất bình trong dư luận.
Để làm đẹp cảnh quan, Công ty TNHH Quỳnh Xanh (trụ sở TP.Quy Nhơn - đơn vị thực hiện) trồng hơn 30.000 gốc hoa giấy đủ màu trên suốt tuyến đường.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2020, doanh nghiệp kiểm đếm lại phát hiện mất khoảng 2.000 gốc hoa giấy. Ngay sau đó, công ty này cho công nhân khẩn trương trồng bổ sung để phủ kín, đến nay qua kiểm đếm sơ bộ, tuyến đường này lại mất thêm cả nghìn cây nữa.
Tính đến nay, người ta đã nhổ trộm 3.000 cây hoa giấy dọc tuyến đường này.
Liên quan đến vụ việc 3.000 cây hoa giấy bị nhổ trộm trên đường quốc lộ QL19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến QL1), luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc này cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
"Đối với hành vi trộm gần 3000 cây hoa giấy này thì cần xác định giá trị số hoa bị mất, nếu có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên thì đủ căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Từ đó làm cơ sở để tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, việc mất trộm này đã xảy ra thường xuyên, có lần phát hiện là gần 2000 cây, rồi sau đó kiểm đếm số hoa bị mất lên đến 3000 cây thì với số lượng hoa bị mất trộm lớn như vậy có thể thấy có sự chuẩn bị từ trước về phương thức trộm để qua mặt đơn vị quản lý đến việc vận chuyển, tẩu tán.
"Đây không chỉ là sự việc trộm hoa đơn thuần do sự thiếu ý thức của người dân mà có thể do một nhóm đối tượng thực hiện, bởi vậy cần có vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ, xử lý kịp thời các đối tượng có liên quan theo đúng quy định để ngăn chặn hành vi này.
Sự việc này cũng là bài học cho các đơn vị quản lý dự án, chủ đầu tư trong việc kiểm soát các tài sản công, chỉ cần một sơ hở đã tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, có thể gây thất thoát cho nhà nước", luật sư Cường phân tích.
Ngoài ra, đối với những trường hợp người dân tự ý, ngang nhiên nhổ hoa đem về thì chính quyền địa phương, đơn vị quản lý cần tuyên truyền, nhắc nhở ý thức đối với những người dân về việc không tự ý nhổ hay lấy hoa về trồng vì đây là tài sản thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Nếu trường hợp nào tái diễn có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ trong trường hợp chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sảnBLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.