"Ăn xin" kiểu… tao nhã
Nghĩa là dùng tài năng của bản thân, biểu diễn nghệ thuật- chủ yếu đàn, hát mua vui, để xin tiền. Đây là hình thức khá phổ biến ở Châu Âu. Có một điều, các nghệ sĩ đường phố này cũng phân ra nhiều đẳng cấp.
Ở Đức, tôi đã được gặp những nữ nghệ sĩ piano cực kỳ xinh đẹp, chuyên vào các nhà hàng ngồi đánh đàn rồi lẳng lặng cầm giỏ tới từng bàn ăn để… nhận tiền của thực khách. Ở thành phố Freiburg, nơi tập trung nhiều trường Đại học của nước này, rất nhiều sinh viên nhạc viện vác đàn ra đường, vừa tập nhạc vừa kiếm thêm. Quả là "một công đôi việc"!
Còn ở Gamla Stan của Stockholm, Thụy Điển, tôi đã phải giật mình trước một giọng hát opera cực khỏe, âm vang từ đầu phố tới cuối phố. Người nữ nghệ sĩ ấy đứng hát nơi lề đường nhưng trang điểm và ăn vận chỉn chu như trên sân khấu. Dưới chân cô- tất nhiên- là một cái cốc để du khách đi qua và thả vào đó những đồng bạc.
"Ăn xin"... thót tim
|
Biểu diễn mạo hiểm để xin tiền ở Pháp |
Và khi tới Paris tráng lệ của Pháp thì tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi các "hoạt động nghệ thuật" xin tiền vô cùng đa dạng và thậm chí... mạo hiểm. Nơi đây, "người ăn xin" không chỉ đàn hát, mà còn nhào lộn, nhảy hip hop, trình diễn xiếc cùng các loại kịch hình thể...
Khi dạo bước nơi đồi Montmartre, phóng viên Dân Việt được chứng kiến một màn biểu diễn thót tim: "người nghệ sĩ" thoải mái tung, bắt bóng khi... treo mình trên một trụ đèn đường cao vút, phía dưới là khoảng trống sâu hun hút nhìn xuống chân đồi.
Tất nhiên, bên cạnh những kiểu "xin tiền" độc chiêu thì đa phần "ăn xin" nơi trời Âu vẫn là những màn đánh đàn ghi ta, thổi kèn, đánh đàn accocdeon, có thể chơi đàn theo yêu cầu của du khách (nhưng rất ít khi du khách yêu cầu) và nhận tiền “boa” khoảng vài euro... Những màn biểu diễn dạo này thường không hiếm nơi các quảng trường, bến xe và trên các tàu điện ngầm
Và bất động để... xin tiền
Nếu bạn có khả năng đứng bất động trong khoảng thời gian dài tức là bạn có năng khiếu để hành nghề... ăn xin.
Trên nhiều đường phố ở châu Âu- nhất là trên những khu đi bộ mua sắm, chúng tôi cứ thình lình gặp một… bức tượng. Và để phân biệt tượng thật hay người giả tượng, thì việc tiếp theo của chúng tôi là đưa mắt nhìn xuống dưới chân tượng. Nếu dưới đó có một cái ống đựng tiền, thì chỉ khoảng 5-10 phút sau, “bức tượng” sẽ... chào mời bạn chụp ảnh với giá từ 2 đến 5 euro.
Chiêu giả tượng để xin tiền này khá độc đáo và hút du khách nhưng có vẻ khá tốn kém tiền đầu tư phục trang, màu xịt… Phổ biến nhất là "tượng" các vị thần trong thần thoại Hi Lạp, kế đến là các "tượng" mô tả những hành động trong đời sống pha chút ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như trên đường phố Barcelona của Tây Ban Nha (đoạn gần chợ hải sản La Boquetia), có một "bức tượng" đang thư giãn khi vừa đi... vệ sinh, vừa đọc báo.
Một điều đặc biệt là ở các nước châu Âu không có cảnh những người tàn tật, già cả phải ra đường xin tiền. Anh Hùng, một Việt kiều ở Đức, cho biết, các đối tượng đó đã được nhà nước bảo trợ toàn bộ. Từ chuyện ăn, ở được bao cấp cho tới khi ốm đau cũng được các nhân viên xã hội đưa đi chữa bệnh.
Những đối tượng ra đường biểu diễn đôi khi chỉ là những người muốn ra đường ngồi, đam mê những trò mua vui và tiếng cười. Tuy nhiên cũng có những trường hợp do nghiện ngập, rượu chè...
"Ăn xin" nơi trời Âu có lẽ kiếm tiền cũng khá tốt. Chỉ đứng một lúc cùng một nghệ sĩ ghi ta đường phố ở Tây Ban Nha, tôi đã thấy anh này đút túi tới 20 euro. Thậm chí còn nghe nói có hẳn “nghiệp đoàn ăn xin", được tổ chức khá bài bản...
Lê Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.