Tờ Daily Mail thậm chí thảng thốt “điều gì đã xảy ra với 3 tháng lương, Mark? Tỷ phú Zuckerberg chi khoảng 25.000 USD làm chiếc nhẫn đá ruby “đơn giản” cho Priscilla Chan”. Với 20 tỷ USD trong tài khoản, Mark đã tổ chức một tiệc cưới ngay trong sân nhà với số tân khách không quá 100 người và thực đơn thì “chỉ vài món đơn giản”.
Cũng là Facebook, cũng là tỷ phú, cũng cưới vợ, cựu chủ tịch Sean Parker, với một đám cưới có mức chi phí tới 10 triệu USD thì lại vừa bị chính quyền California phạt 2,5 triệu USD vì tổ chức đám cưới… ảnh hưởng đến môi trường sinh thái địa phương mà cụ thể là đe dọa đến loài cá hồi cầu vồng sắp tuyệt chủng.
Là tỷ phú, và nhấn mạnh là một công dân, người ta có quyền chỉ tặng một chiếc “nhẫn cỏ”, cũng như có quyền phung phí 10 triệu USD để tạo một scandal, miễn là đừng ảnh hưởng đến những người xung quanh hoặc xâm hại đến rừng gỗ đỏ, đến... cá hồi. Nhìn chung, sự xa hoa xưa nay, đâu đó đều chỉ được điều chỉnh bằng những phạm trù đạo đức.
Ở Việt Nam, khi những quy phạm buộc người dân phải “tự tiết kiệm”, kiểu quan tài không ô kính hay đám cưới không quá 50 mâm, đã bị phản đối, thậm chí tạo thành bức xúc trong dư luận.
Nghĩ cho cùng, khó có thể hành chính hóa một hành vi thuộc về phạm trù đạo đức khi tiêu tiền như thế nào là quyền của người dân.
Thời này, ngày hôm qua, câu khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu” một lần nữa được nhắc lại trước nghị trường trong một dự án luật mà bản thân cái tên đã có những chữ “tiết kiệm”, “chống lãng phí”. Và chắc chắn, khi đạo luật được thông qua, người dân sẽ tuyệt nhiên không còn phải bức xúc trước những quy định kiểu định lượng cụ thể số vòng hoa đám ma hay thực khách đám cưới.
Đây là “cây gậy” để dành cho những hành vi lãng phí nguồn lực nhà nước, đặc biệt nguồn lực tài nguyên quốc gia. Nhưng thực ra “cây gậy” không phải đến dự luật lần này mới có. Chỉ có điều nó chưa đe được ai nếu như không muốn nói là chỉ nhằm vào mấy cái đám ma, đám cưới của dân chúng.
“Nếu tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn. Ta thường lên án gay gắt mạnh mẽ hành vi tham nhũng nhưng thất thoát do lãng phí rất nhiều thì ta lại nương tay, xem nhẹ. Hầu như chưa có ai bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí”. Đây là phát biểu của ĐBQH Lê Như Tiến tháng 10 năm ngoái.
Và để không còn những bài phát biểu như vậy, việc sửa đổi một luật với việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu rõ ràng là chưa đủ. Bởi “cây gậy” cần phải được dùng để răn đe đúng người, đúng việc.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.