Kỳ 1: Nguyên nhân xuống cấp
Khởi công đầu 2008, khánh thành vài ngày trước đại lễ Nghìn năm Thăng Long, con đường gốm sứ dài gần bốn cây số ven sông Hồng đã được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên chỉ sau vài năm, bức tranh ấy bắt đầu bong tróc.
Do làm ẩu hay…?
Năm 2012, con đường gốm sứ đã có dấu hiệu xuống cấp. 2013 tới nay, gốm bong tróc thành mảng, bức tường xây thêm trên đỉnh đê bê tông bị nứt vỡ nhiều đoạn có nguy cơ sập. Dân tình kêu nhiều, báo chí mổ xẻ còn bên quản lý và phía thi công thì vội triển khai vá víu, tu bổ.
Hỏng hóc thì có khá nhiều nguyên do. “Gốm mosaic mỏng như một lớp da (dày 3mm) gặp giãn nở nhiệt khó tránh khỏi bong tróc” – họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả ý tưởng và là người phụ trách thực hiện bức tranh này cho biết.
Chị Thủy giải thích bức tranh được tạo thành bởi rất nhiều viên gốm mosaic (được nung với nhiệt độ 1200oC) cỡ nhỏ đủ màu sắc. Bản thân viên gốm khó bị tổn hại bởi mưa nắng song lớp vữa gắn kết thì không được như vậy. Thời tiết Hà Nội lúc đổ lửa, lúc giá buốt khiến thỉnh thoảng bức tranh lại bị “thủng” một miếng. “Việc duy tu bảo dưỡng để duy trì vẻ đẹp của tranh gốm mosaic là hết sức bình thường, không đáng lo ngại”, chị Thủy nói.
Vì lý do nghệ thuật (đảm bảo đủ “đất” vẽ tranh) người ta chồng lên đỉnh đê bê tông những hàng gạch cao tổng cộng 60cm mà theo Ban quản lý chỉnh trang đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội – đơn vị trước đây quản lý con đường gốm sứ – là tác nhân gây nứt dọc thân tranh.
Trả lời phỏng vấn hồi tháng 8/2014, Trưởng ban Đào Việt Trung khẳng định: “Bức tranh được thiết kế trên hai bức tường ghép vào nhau chỉ gắn kết bằng mạch vữa không có trụ cột, xảy ra rạn nứt là tất yếu. Có dán lại các mảnh gốm cũng sẽ bị bong”. Ban này đã lên kế hoạch bổ sung trụ cọc bê tông, khoan vít gắn kết giữa hai bức tường. Nhưng tới tháng 10, tranh gốm được chuyển giao cho Sở VH-TT&DL Hà Nội nên việc tu bổ chỉ dừng trên giấy.
“Do chúng tôi gắn gốm các bề mặt khác nhau (bê tông cũ, gạch) nên mới vậy” - chị Thủy thẳng thắn nói. Còn về “lỗi kết cấu” trong thi công, chị Thủy đính chính mặt tường tiếp giáp không nứt, có nứt chỉ nứt mạch vữa. Bức tường gạch do công ty Xây dựng Bách khoa tư vấn thiết kế, tính toán kết cấu đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Vá víu túc tắc. Ảnh: Trung Dũng.
Đường chung, không nhem nhuốc mới lạ
Từng có người lo ngại con đường gốm sứ biến thành nhà vệ sinh công cộng, điểm tập kết rác hay quán bán hàng. Thực tế không khác là mấy với dự đoán này.
Cảnh dân tình “úp mặt trút bầu tâm sự” là chuyện thường ngày ở huyện. “Đoàn kiểm tra thực mục sở thị người ta tiểu tiện ngay trước mặt mình” - bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban quản lý di tích danh thắng kể. Được Sở VH-TT&DL Hà Nội giao trực tiếp coi sóc con đường này nên bà Hòa đi kiểm tra đều thấy : “Túi ni lông rác bị gió thổi bay mắc vào hàng cây xanh trang trí con đường gây phản cảm thật”.
“Người ta đóng đinh căng bạt trưng biển quảng cáo, có ngại ai đâu”, họa sĩ Thủy bức xúc, “Hoặc đơn giản họ đốt bếp, đốt giấy khiến bức tranh ám đen. Chúng tôi phải mất nhiều công cọ rửa mới tạm sạch”. Có người thấy chướng tai gai mắt, mở miệng nhắc nhở thì bị vặc lại: “Của nhà ông à?”.
Sự vô ý thức trong một bộ phận người dân sống ở Thủ đô cần nhiều thời gian mới có thể thay đổi. Tuy nhiên đáng ra khi làm đã phải tính tới việc bức tranh “phơi” mặt suốt trục dài, đông xe lắm cộ.
“Con đường gốm sứ được xây dựng cạnh đường giao thông có tần suất đi lại cao. Trước đây khi xây dựng dự án không tính toán đến khả năng cách âm nên hàng ngày ô tô đi qua, khó tránh khỏi độ rung” – ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội lý giải. Đâu chỉ dư chấn, thậm chí có lần xe tải còn tông thẳng vào tường, chẳng hư hại sao được.
Quản lý đan xen cũng dễ dẫn tới “cha chung không ai khóc”. Ở đây thân đê đương nhiên thuộc “bác” đê điều, tác phẩm nghệ thuật kèm phần gạch xây thêm là của “anh” văn hóa. Trong khi cây xanh lại do người khác chăm. Sinh ra tường nứt, tranh bong, cây chết, của ai nấy lo…
Báo đài kêu nhiều nghe đâu việc tu bổ hứa hẹn thay đổi tích cực trong 2015, không thấy thường trực mỗi cảnh vá víu túc tắc của Cty Tân Hà Nội – do chị Thủy làm đại diện – như mấy năm rồi.
“Hiện nay các nghệ sỹ gốm ở San Francisco cũng đang tu sửa một con cá hồi gắn gốm khổng lồ, dù đặt ở nơi yên tĩnh, không có xe cộ đi lại. Cột trang trí gốm ở khu la Defence ở Paris cũng đang được tu sửa. Bức tranh gắn gốm ở quảng trường trung tâm thành phố Madrid cũng mới được sửa cách đây vài tháng. Hình ảnh các nghệ sỹ đang lúi húi sửa chữa trên các giàn giáo có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi. Hình ảnh đó như một phần của niềm say mê và quan tâm đến văn hóa nghệ thuật của một thành phố”.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.