Chứng minh cho ý kiến của mình, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và công nghiệp - dẫn Nghị định 64 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
Theo đó, 3 loại cây có thể chặt phá không cần xin phép gồm: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Dẫn quy định trên, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng nhận định, trong đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015 (nhiều người còn gọi tắt là đề án thay thế 6.700 cây) các cây chặt hạ không thuộc 3 loại cây trên, nên phải xin phép.
Công ty cây xanh Hà Nội gắn biển lấy ý kiến người dân đối với hàng chục cây ở Hà Nội, dù cây đã chết khô.
Từ đó, Giáo sư Đăng cho rằng, đề án thay thế 6.700 cây sai với Nghị định về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng tại Nghị định 64 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép gồm: Cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn; cây bóng mát trên đường phố...
Cũng theo quy định, cây bóng mát; cây bảo tồn; cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; cây bóng mát có chiều cao từ 10m trở lên; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân... cũng thuộc diện chặt hạ, thay thế phải có giấy phép.
Các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị gồm: Chặt hạ ngay do tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy.
Trước khi chặt hạ, dịch chuyển phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo lại cơ quản lý cây xanh đô thị chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị bao gồm: Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển; ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
Nghị định cũng quy định, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định, còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.
Trước đó, ngày 18.3, trước nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, Hà Nội đã có ý kiến giải thích lý do chặt hạ, thay thế cây.
Theo đại diện UBND TP.Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát. Hệ thống cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài.
Trong đó, nhiều cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ. Nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà xừ, long não… ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đặc biệt, trên một số tuyến đường tồn tại nhiều cây lâm nghiệp không phải cây đô thị như keo, cành giòn dễ gãy, tuổi thọ ngắn. Ngoài ra, một số cây trên tuyến phố do người dân tự ý trồng các loài cây không thuộc chủng loại đô thị như dâu da, vông, dướng, bông gòn, trứng cá…
Qua rà soát, Hà Nội có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Vì vậy, các cây này cần được từng bước thay thế bằng các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.