Thưa hoạ sĩ, ông có biết vì sao nhiều nơi lại mời ông tham gia vào những việc sáng tác, thể hiện liên quan đến rồng như vậy?
|
Họa sỹ Trần Tuy |
- Theo nghề mỹ thuật, từ những năm sáu mấy tôi đã nghiên cứu, thể hiện rồng thời Lý, vẽ rồng cho bảo tàng. Mẫu rồng thời Lý dùng rất phổ biến trong xã hội lâu nay phần lớn sử dụng và bắt nguồn từ mẫu tôi vẽ đấy! Về "Chiếu dời đô" khổng lồ thì nghệ nhân Vũ Quý có mời tôi thiết kế.
Trước đó đã có vài người làm, ý tưởng thì tốt nhưng không bám vào mô típ rồng thời Lý mà là thời Nguyễn. Có lẽ vì nó có sẵn và dễ thiết kế hơn chăng? Tôi mới góp ý là nếu các anh đồng ý tôi sẽ sửa, và sau đó tôi thiết kế lại toàn bộ.
Ý tưởng của ông về bức “Chiếu dời đô” thể hiện như thế nào?
- Phía trên bức chiếu là đôi rồng chầu lá đề rất đặc trưng của thời Lý (khác với lưỡng long chầu nhật hay chầu nguyệt của thời Nguyễn sau này). Phía ngoài đôi rồng là đôi phượng. Ở dưới đôi rồng, không dùng hoa văn rùa, sen như trước kia, tôi thể hiện sóng nước thủy ba phổ biến trong tác phẩm điêu khắc thời Lý. Phía dưới nữa, tôi thể hiện đôi sấu đang gánh đỡ bức chiếu.
|
Bức Chiếu dời đô khổng lồ |
Tất cả đều theo phong cách thời Lý, tôi muốn nhấn mạnh là tính thống nhất của nghệ thuật thể hiện tính quy củ của xã hội.
Việc thể hiện bức “Chiếu dời đô” kỷ lục này hẳn rất kỳ công?
Bức "Chiếu dời đô" có kích thước tổng thể, dài 458 x cao 385cm, kỹ thuật phần thể hiện chữ, rộng 360 x cao 200cm. Phần khung chiếu làm bằng gỗ tự nhiên nhóm 1. Chữ đồng mạ vàng với chiều cao chữ 10cm, được gắn trên 12 tấm gỗ hương.
- Nhìn chung nghệ nhân Vũ Quý và các nghệ nhân, thợ thủ công rất cố gắng. Họ chọn những thanh gỗ lớn 5 - 6m, làm nguyên khúc chứ không phải ráp nối, ngâm tẩm, sấy kỹ để tránh co ngót, những con sấu được đục từ những khúc gỗ nguyên khối rất nặng giúp bức chiếu đứng vững vàng. Các bộ phận của bức chiếu cũng được thiết kế sao cho tháo lắp thuận lợi vì kích thước rất lớn, vận chuyển không phải đơn giản.
Thể hiện nội dung bức chiếu thì có chữ của nhà thư pháp danh tiếng Nguyễn Văn Bách, gò đồng do nghệ nhân Thế Long ở làng nghề Đại Bái (Bắc Ninh). Tôi được biết bức chiếu có 214 chữ, suốt 10 tháng, mỗi ngày ông Long làm rất kỹ nên chỉ được 1 đến 2 chữ thôi. Sau đó chữ lại được mạ vàng trên dây chuyền công nghệ hiện đại của nhà máy Z117…
Vậy ông có đánh giá gì sau khi bức chiếu hoàn thành?
Ngày 1-10, bức "Chiếu dời đô" khổng lồ sẽ được rước từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Hà Nội. Ngày 2-10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ diễn ra lễ dâng "Chiếu dời đô". Sau đó tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm thư pháp Thăng Long tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 4 đến 10-10. Sau khi tham gia Đại lễ, bức "Chiếu dời đô" này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
- Đây là bức “Chiếu dời đô” lớn, quy mô nhất trong những bức “Chiếu dời đô” đã được thể hiện trên nhiều chất liệu, hình thức. Tác phẩm mỹ nghệ cao cấp này có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật.
Do sức khoẻ không cho phép, tôi không theo sát và kiểm tra trực tiếp được việc thể hiện thiết kế trên gỗ nên chi tiết, đường nét có thể chưa đạt đến độ tinh tế như mong muốn, cũng như có một chút điều chỉnh ở đôi phượng và đôi sấu chưa thật đúng phong cách thời Lý. Tuy nhiên, tác phẩm đã thu hút sự đóng góp của nhiều bậc tài hoa với sự nhiệt tình mong được đóng góp tâm huyết dâng lên Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thi (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.