"Cô gái mất tích" - một trong những phim tâm lý ly kỳ, hay nhất 2014

Thứ sáu, ngày 24/10/2014 14:44 PM (GMT+7)
Bộ phim tâm lý - ly kỳ "Gone Girl" của David Fincher với Ben Affleck và Rosamund Pike thủ vai chính không chỉ lôi cuốn từ đầu tới cuối mà còn có sức ám ảnh tới người xem sau khi bước chân ra khỏi rạp.
Bình luận 0

img

Khuôn mặt "đơ đơ" của Ben Affleck rất phù hợp cho vai diễn người chồng của "cô gái mất tích" Rosamund Pike

"Fatal Attraction", "Basic Instinct", "Revolutionary Road" ... là những bộ phim nổi tiếng thường được chọn vào danh sách "Phim không nên xem trong buổi hẹn hò" bởi đó là các tác phẩm thường khiến các cặp đôi tự đặt dấu hỏi về tình yêu sau khi xem xong.

Kể từ năm 2014 này, "Gone Girl" (tựa Việt là Cô gái mất tích) của đạo diễn David Fincher cũng là một ứng cử viên cho danh sách trên. Bộ phim tâm lý - ly kỳ này không chỉ lôi cuốn từ đầu tới cuối mà còn có sức ám ảnh tới người xem sau khi bước chân ra khỏi rạp.

Phiên bản chuyển thể thành công

Năm 2012, cuốn tiểu thuyết ly kỳ "Gone Girl" của nữ tác giả Gillian Flynn là một hiện tượng của làng xuất bản khi vươn lên ngôi đầu vị trí best-seller của New York Times trong suốt tám tuần liền. Vào thời điểm đó, thật khó mà tới một nhà ga hay sân bay của Mỹ mà không bắt gặp ít nhất một người đang đọc say mê cuốn sách này.

Với tầm ảnh hưởng lớn như vậy, Hollywood không mất nhiều thời gian để mua bản quyền chuyển thể "Gone Girl" lên màn ảnh rộng. Ly kỳ, lôi cuốn và nhiều bất ngờ như một bộ phim của đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock, "Gone Girl" được tin cậy giao cho đạo diễn phim ‘drama’ hàng đầu Hollywood hiện nay: David Fincher.

Nội dung phim xoay quanh "cô gái mất tích" Amy Dunne (Rosamund Pike thủ vai), khi nữ nhà văn nổi tiếng này đột ngột biến mất vào đúng dịp kỷ niệm năm năm gắn bó với người chồng Nick Dunne (Ben Affleck). Giới truyền thông tọc mạch nhanh chóng xoáy sâu vào mọi khía cạnh trong cuộc sống Nick và sự mất tích bí ẩn của Amy, khiến Nick dần mất kiểm soát và để lộ những hành tung khả nghi. Điều này khiến cảnh sát, dư luận và cả chính cô em song sinh của Nick phải đặt câu hỏi: "Liệu anh ta là nạn nhân hay chính là kẻ chủ mưu đứng sau sự mất tích của vợ mình?"

Trong cuốn "Gone Girl", nửa đầu câu chuyện được kể với góc nhìn của cả Nick lẫn Amy thông qua ngôi thứ nhất. Độc giả được đưa vào mê hồn trận với hai phiên bản khác nhau của cùng một cuộc hôn nhân, với góc nhìn của Nick trong thì hiện tại và những lời tự sự của Amy qua cuốn nhật ký cô viết. Điều này được đạo diễn Fincher nắm bắt khéo léo và đưa vào phiên bản điện ảnh qua lối dẫn chuyện phi tuyến tính đan xen giữa thực tại và quá khứ.

Với cách dẫn dắt này, khán giả được đặt mình vào tâm trí của cả Nick lẫn Amy để mường tượng được phần nào về bức tranh hôn nhân giữa họ. Nhưng đáng nói hơn rằng bức tranh đó vẫn chưa được hoàn thành đầy đủ, khi Fincher cùng tác giả Flynn (tự tay chỉnh sửa kịch bản) mới là những người nắm giữ những mảnh ghép còn lại và từ từ đưa chúng cho khán giả.

Những sự lựa chọn hoàn hảo

Khi công ty của minh tinh Reese Witherspoon chiến thắng trong cuộc đua giành bản quyền sản xuất "Gone Girl", đạo diễn David Fincher đã sớm được lựa chọn làm người đưa những nhân vật Nick, Amy ... từ trang sách bước lên màn ảnh rộng. Không chỉ bởi ông từng thành công với những bộ phim chuyển thể ăn khách như "The Curious Case of Benjamin Button" hay "The Girl with the Dragon Tattoo" mà vì David Fincher là người phù hợp nhất cho những bộ phim ly kỳ, bí ẩn.

Những ai theo dõi sự nghiệp của Fincher có thể nhận thấy đạo diễn này tài ba ra sao trong việc giữ bí mật tới tận phút chót và triển khai những nút thắt-mở tài tình. Cái kết gây sốc của "Se7en" (1995), cuộc chơi đầy bí ẩn trong "The Game" (1997), hé lộ gây bất ngờ của "Fight Club" (1999) hay bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở của phim hình sự "Zodiac" (2007)... là những minh chứng điển hình cho khả năng dẫn dắt câu chuyện của ông.

Những tác phẩm của Fincher thường mang sắc thái bí ẩn và ly kỳ (đến ngay cả serie truyền hình về chính trị "House of Cards" do ông làm nhà sản xuất cũng mang hơi hướng trên). Và điều này giúp Fincher trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo cho vị trí đạo diễn "Gone Girl".

Xem phim, khán giả sẽ sớm bị hút vào câu chuyện ngay từ đầu lần mò tự đi tìm lời giải đáp theo những manh mối mà Fincher đưa ra. Từng là một cây viết cho Entertainment Weekly, nữ tác giả Gillian Flynn đã thể hiện sức mạnh của giới truyền thông có thể ảnh hưởng ra sao tới con người và công cuộc điều tra một vụ án được quan tâm.

img

Một câu chuyện tình lãng mạn vẫn có thể trở thành một cuộc hôn nhân thất bại

Sở hữu sẵn cốt truyện của Flynn, Fincher đủ cao tay để xây dựng kịch tính để người xem cảm thấy ưa thích hay ác cảm với một nhân vật để rồi chính họ phải tự vấn bản thân rằng có chắc đó là người tốt/xấu hay không khi những tình tiết mới xảy ra - giống như cách giới truyền thông tác động lên người tiếp nhận tin tức.

Ngay từ nước phim với tông màu u ám đã đem lại cảm giác phù hợp cho câu chuyện, với những ngày tháng tươi đẹp, mộng mơ ban đầu của Nick-Amy dần ngả màu đen khi thời gian trôi qua. Mỗi cặp vợ chồng xem "Gone Girl" có lẽ đều phần nào bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó, dù ít hay nhiều. Đó là một thành công khác của bộ phim, khi tác phẩm lột tả được những khó khăn trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhất là khi tình cảm đã nhạt phai và khó khăn tài chính bất ngờ ập tới.

Nửa đầu của phim được diễn ra với không khí căng như dây đàn, trong khi phần cuối phim lại có tiết tấu nhanh, với những bất ngờ dồn dập xảy ra. Sự xuất hiện của những nhân vật mới như gã bạn trai cũ của Amy là Desi (Neil Patrick Harris) hay viên luật sư Tanner (Tyler Perry) vừa đóng vai trò quan trọng tới câu chuyện lại vừa đem lại đôi chút tiếng cười trong bầu không khí căng thẳng. Các diễn viên phụ kể trên đã hoàn thành tốt vai trò của mình, song để được ca ngợi là "xuất sắc" trong "Gone Girl" thì Rosamund Pike trong vai Amy là người xứng đáng nhất.

Cách đây hơn một thập niên, bông hồng Anh này từng gây chú ý khi ra mắt vơi tư cách "Bond Girl" Miranda Frost bên cạnh tài tử Pierce Brosnan trong "Die Another Day" (2002). Sau nhiều vai diễn nhạt nhòa không đủ để khai thác hết tài năng tiềm ẩn trong cô, cuối cùng Pike đã tìm lại được vị thế cô xứng đáng được hưởng với "cô gái mất tích" Amy. Vượt qua hàng loạt ứng cử viên nặng ký như Natalie Portman, Emily Blunt hay Olivia Wilde... Pike đã có được vai diễn được khao khát này và màn trình diễn của cô xứng đáng được đề cử Oscar Nữ chính vào đầu năm tới.

Chất giọng như thủ thỉ giàu sức ám ảnh, đôi mắt ẩn chứa những bí mật sâu thẳm... của nhân vật Amy khiến người xem không khỏi liên tưởng tới "sắc đẹp chết người" Catherine (Sharon Stone thủ vai) trong bộ phim nổi tiếng "Basic Instinct" (Bản năng gốc). Xuất hiện bên cạnh Ben Affleck - người có gương mặt "cứng đơ" hợp với tâm trạng hoang mang của Nick - Rosamund Pike chính là một Amy Dunne bí ẩn mà độc giả "Gone Girl" luôn hình dung tới.

Lôi cuốn và đầy bí ẩn từ đầu tới cuối, song cái kết của "Gone Girl" có thể không hài lòng một số người. Đây có lẽ là chủ đích của tác giả, khi muốn tạo ra một câu chuyện giàu sức ám ảnh và khiến người ta còn phải nhớ lâu về nó. Có độ dài tới 149 phút nhưng với bàn tay dẫn dắt bậc thầy của David Fincher, "Gone Girl" không hề có cảm giác lê thê và xứng đáng là một trong những phim tâm lý - ly kỳ hay nhất năm 2014.

Trailer phụ đề tiếng Việt của Gone Girl:


(Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem