Ngay sau khi luật được vận dụng, một bà cụ được Tòa án nhân dân ở thành phố Wuxi (tỉnh Giang Tô) xử thắng một vụ kiện lịch sử: con gái và con rể phải mỗi 2 tháng thăm mẹ ít nhất một lần tại nhà của em trai cô (cách nhà cô 40km), ngoài những ngày lễ cũng phải thăm. Cô còn phải chăm sóc và chu cấp tiền cho bà cụ Chu 77 tuổi, nếu không tuân thủ thì họ sẽ bị xử lý dân sự, bị phạt tiền hoặc thậm chí bị tù.
Bà cụ Chu 77 tuổi chống gậy cùng con trai rời tòa
Theo Tân Hoa xã, bà Chu đã kiện con gái ruột và con rể ra tòa hồi đầu năm 2013 về việc họ không thăm bà, sau nhiều vụ xung đột giữa hai mẹ con từ tháng 9/2012. Sau đó bà Chu rời khỏi nhà con gái để đến ở với đứa con trai. Cô con gái cùng con rể từ đó không đến thăm nom bà. Tân Hoa xã nói cô phải bồi thường một khoản tiền cho người mẹ già vì cái tội “mất dạy”, nhưng không cho biết cô phải đền bao nhiêu.
“Luật đề cao đạo làm con”Luật buộc con cái phải thường xuyên thăm nom và chăm sóc cha mẹ già (từ 60 tuổi trở lên) hoặc ít nhất gọi điện thoại thăm hỏi hai đấng sinh thành, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải hỗ trợ người cao tuổi trong việc mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Luật cấm con cái từ bỏ quyền thừa kế nhằm “trốn nghĩa vụ” chăm sóc cha mẹ, con cái phải gửi tiền trợ cấp mỗi tháng nếu từ chối chăm sóc cha mẹ.
Luật cũng cấm con cái dở thói bạo hành cha mẹ, cấm mắng chửi, tra tấn thể chất và bỏ rơi đấng sinh thành. Báo China Daily - trực thuộc Nhà nước Trung Quốc (TQ) - nêu luật nhằm “bảo vệ quyền lợi của cha mẹ già” và để chuyển tải truyền thống đạo làm con, và luật cho người già có cách “xử lý” con cái: “Những bậc phụ huynh có con sống xa họ và không thường xuyên thăm hỏi có thể nhờ hòa giải hoặc đâm đơn kiện”, nhưng không nêu rõ cách kiện và không nói những đứa con “mất dạy” sẽ bị xử phạt thế nào.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời giáo sư Xia Xueluan thuộc Viện Xã hội học của Đại học Bắc Kinh nhận định: luật mới vẫn còn nhiều điểm không rõ ràng. Ví dụ mỗi năm con cái phải đến thăm cha mẹ bao nhiêu lần thì mới là đúng luật. Và nếu con cái không thăm thì mức phạt cụ thể là thế nào?
Giáo sư Xia nhận định: “Luật cần phải đưa ra những quy định và biện pháp rõ ràng hơn. Luật mới này chỉ giống như lời nhắc nhở con cái cần phải có hiếu với cha mẹ hơn là một luật có tính chất bắt buộc”. Giáo sư luật Xiao Jinming thuộc Đại học Sơn Đông - một thành viên tổ soạn luật này - nói: “Luật chủ yếu để nhấn mạnh quyền của người già muốn được con cái động viên tinh thần... Chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là một nhu cầu của các cụ cao tuổi”. Ông nói mục đích chính sau luật là nêu cao ý thức về cuộc sống buồn bã của người già.
Người lao động phải được về thăm cha mẹ?Chính quyền Bắc Kinh cho biết luật mới sẽ làm giảm thiểu tình trạng người già phải sống cô đơn trong những “chiếc tổ trống rỗng”. Hiện nay, nhiều người Hoa cao tuổi phải sống một mình vì con cái phải bỏ quê ra thành phố xa tìm việc làm.
Trong khi thế hệ cao tuổi hài lòng với luật sửa đổi và hy vọng con cái sẽ chăm sóc mình, nhiều người lại tỏ ra nghi ngờ luật mới, do nó gây quá nhiều sức ép cho những người phải xa nhà. Luật yêu cầu người sử dụng lao động phải cho người lao động nghỉ phép 20 ngày có hưởng lương để về quê thăm cha mẹ.
Đời hiu hắt của các cụ hưu trí
Lola Wang 28 tuổi làm việc ở Thượng Hải, mỗi năm phải mất 6 giờ về tỉnh Sơn Đông để thăm cha mẹ hai lần/năm (dịp Tết Nguyên đán và Lễ quốc khánh trong tháng 10). Cô kể muốn lo tròn đạo làm con, nhưng cô cũng phải dành nhiều thời gian cho công việc ở mảng tài chính, nên khó thường xuyên về quê thăm gia đình. Cô thừa nhận là người ủng hộ luật nhưng cô cũng áy náy vì việc phải bù đầu với công việc. Hiện có 400 triệu lao động bỏ quê ở vùng nông thôn đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu hoặc Thượng Hải vì ở đó có chỗ làm tốt hơn, lương cao hơn và có tương lai cho người trẻ, nhưng họ phải để lại cha mẹ ở quê.
Thăm dò của kênh truyền hình trung ương TQ nêu có khoảng 11,9% người lao động không thăm cha mẹ suốt nhiều năm, 33,4% chỉ thăm gặp cha mẹ đúng một lần/năm. Ngay khi luật sửa đổi được Quốc hội TQ thông qua hồi tháng 12.2012, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đã lưu ý luật không quy định mỗi năm thăm cha mẹ bao nhiêu lần. Giảng viên đại học Zhang Ye 36 tuổi nói: “Thanh niên phải ra nước ngoài hoặc đi làm thật xa nhà thì sẽ rất cực và quá tốn kém khi về thăm cha mẹ. Tôi thường về thăm và gọi điện cho cha mẹ…nhưng một người trẻ thì không muốn thế, nên tôi không tin luật sẽ có hiệu quả”.
Bắt mẹ ngủ chung với lợn nái!Dù xã hội TQ vẫn tôn trọng người già, nhưng những đổi mới kinh tế trong 30 năm lại tăng tốc phá vỡ truyền thống gia đình, cộng thêm vào đó là ít có những giải pháp - ví dụ nhà dưỡng lão, ngoài ra, sự thoái hóa đạo đức - văn hóa trong một bộ phận người dân khiến nhiều bậc cha mẹ bị con cái bỏ bê, thậm chí đối xử tàn nhẫn.
Hiện số người già đang tăng nhanh: Ủy ban quốc gia về người già của TQ ước tính số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên 221 triệu người vào năm 2015 và 487 triệu người vào năm 2053 (chiếm 35 dân số) so với năm 2011 có 185 triệu người trên 60 tuổi. Giáo sư James Liang thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng TQ đang có nguy cơ trở thành một xã hội già, số người trẻ vốn có thể góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế lại sụt giảm đáng kể. Năm ngoái, Liang đã báo động trên báo Caixin: “Nếu TQ cứ duy trì tỷ lệ sinh hiện tại, cơ cấu dân số vào năm 2040 chắc chắn sẽ là bản sao của xã hội quá nhiều người già của Nhật Bản hiện tại. Một loạt các vấn nạn mà xã hội Nhật đang phải đối mặt - từ chi phí chăm sóc sức khỏe người già tăng cao cho đến thiếu hụt nguồn nhân lực lao động - sẽ tái lập ở TQ”.
|
Năm ngoái, một nông dân ở Giang Tô bị lên án dữ dội vì để người mẹ già 100 tuổi phải sống chung với một con lợn nái xề trong chuồng lợn. Trước khi luật được sửa đổi, nhiều người già đã kiện con cái bỏ rơi họ, nên việc con cái không tuân thủ luật mới cũng chẳng làm thay đổi được vấn đề, vì cán bộ tòa án nói chung chỉ có cách giải quyết là “dàn xếp” cho con cái đồng ý thăm cha mẹ thường xuyên, không buộc phải chu cấp tiền bạc.
Luật đón nhận nhiều ý kiến khác biệt của nhiều cư dân mạng TQ: một số người hoan nghênh việc bắt buộc thăm cha mẹ, nhưng có những người khác cho rằng luật “đi quá đà”. Họ phản đối “luật hiếu thảo” - theo cách ví von của báo giới - và cho rằng chính quyền TQ khó áp dụng được luật này. Tay blog choiseongho viết: “Hôm nay, việc trở về nhà thường xuyên để thăm đã được đưa vào luật…
Chẳng biết đây là một bước lùi hoặc một bước tiến, hậu quả vẫn là nếu bạn không chăm sóc người già, thì bạn có thể đã phạm một tội”. Một người viết trên Sina Weibo - trang mạng xã hội lớn nhất TQ - “Một đất nước phải ra luật yêu cầu con cái có hiếu với cha mẹ ư? Đúng là một nỗi sỉ nhục”.
Người khác chỉ trích: “Chính phủ dùng luật mới để bảo vệ người già, nhưng trên thực tế lại đổ hết tội lỗi lên đầu con cái họ. Lẽ ra chính phủ cần phải tính đến vấn đề này khi đưa ra chính sách một con”.
Có vẻ lạ kỳ khi chính phủ can thiệp vào mối quan hệ gia đình, nhưng ở TQ lại là chuyện thường: chính sách “một vợ một chồng, một con là đủ” đã áp dụng từ hàng chục năm nay, và sự thành công của chủ trương này khiến các quan chức cảm thấy cần sửa đổi “luật hiếu thảo”: do sức hỗ trợ người già của chính quyền rất hạn chế, chỉ có một khoản trợ cấp ít ỏi (nhất là ở vùng nông thôn) nên người già phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của con cái, từ đó có sự nguy cấp từ chính sách một con: đứa con duy nhất (không có anh, chị, em) phát “oải” chuyện phải oằn vai lo nuôi cha mẹ.
Diên Hy (Dòng Đời) (Diên Hy (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.