"Đóng kịch" đổ gánh hàng, thu 700.000 đồng/giờ

Thứ tư, ngày 27/04/2011 10:47 AM (GMT+7)
Người đàn bà khóc rất thê thảm, liên tục đưa tay phải quệt nước mắt, tay trái lấy muỗng xúc tàu hủ vương vãi vào nồi... Chỉ hơn một giờ đã có hàng chục lượt người dừng xe cho tiền, không một ai có chút nghi ngờ...
Bình luận 0

Trưa 24.4, Công an P.22, Q. Bình Thạnh (TP.HCM) đã vạch trần màn kịch của người đàn bà với gánh tàu hủ diễn ra ngay trên cầu Sài Gòn. Tại Công an P.22, bà ta khai tên Đặng Thị Ký, 57 tuổi, quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Chiêu thức cũ

Ngày 27.3, khoảng 10g30, chúng tôi bắt gặp người đàn bà này ngồi bên hành lang bộ hành trên cầu Sài Gòn. Xung quanh là chén, muỗng và tàu hủ đổ vương vãi xuống nền đường. Người đàn bà lúc thì ngồi úp mặt xuống gối, lúc lại ngẩng mặt lên trời khóc rất thê thảm, liên tục đưa tay phải quệt nước mắt, tay trái lấy muỗng xúc tàu hủ vương vãi vào nồi. Chỉ hơn một giờ đã có hàng chục lượt người dừng xe cho tiền với mệnh giá 20.000, 50.000 đến 100.000 đồng, không một ai có chút nghi ngờ.

img
Bà Ký tại trụ sở Công an P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

11h50, bà ta nhanh chóng gói ghém bộ đồ nghề, quảy gánh về phía Q.Bình Thạnh, chui xuống một gốc cây dưới gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu châm thuốc hút phì phèo và đếm tiền. Tất cả có bốn xấp tiền loại 100.000 và 50.000 đồng. Sau đó bà ta leo lên xe ôm và mất hút khi đến một con hẻm trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh).

Theo dõi nhiều ngày, chúng tôi nhận ra: để tránh sự nghi ngờ, cứ cách một tuần người đàn bà này lại xuất hiện và thực hiện màn kịch một lần. Địa điểm hoạt động thay đổi liên tục, khi ở cầu Thị Nghè 2, lúc ở giữa cầu Sài Gòn. Thời gian hoạt động thường cố định vào tầm từ 10h30 đến gần 12h và chỉ kéo dài trong hơn một giờ (vì từ 10h30 đến gần 12h, lượng người lưu thông qua cầu rất đông).

Dù hành vi lừa đảo diễn ra liên tục, trên cùng một vài địa điểm cố định nhưng vẫn có lắm người bị lợi dụng lòng tốt. Trưa 24.4, chúng tôi chứng kiến cảnh cặp vợ chồng người nước ngoài dù đã chạy xe qua gần cả trăm mét nhưng nhìn thấy cảnh tượng thương tâm nên không kìm được, quay lại hỏi thăm, cho tiền.

Cá biệt, trưa 27.3, giữa nắng chang chang, cầu Sài Gòn đông nghẹt, một bà mẹ chở con nhỏ khoảng 6 tuổi chạy ngang qua nhưng sau đó vẫn gắng dừng lại để đứa bé nhảy xuống xe cho người đàn bà này 20.000 đồng.

Anh Trần Minh Hoàng, công tác tại Công ty TNHH Cầu phà TP.HCM, bức xúc: “Lần đầu tôi thấy bà ta khóc lóc bên gánh tàu hủ đổ vãi, rất tội nghiệp nên móc bóp cho 50.000 đồng. Lần một, lần hai, lần ba rồi đến nay là lần thứ tư vẫn gặp bà ta cứ gào khóc bên đống tàu hủ, tôi biết ngay là chiêu thức lừa đảo. Đến lần thứ năm, tôi quyết định đuổi cổ bà ta đến hai lần, bà ta mới chịu dời đi”.

Một giờ thu 700.000 đồng

Tại cơ quan công an, bà Ký cho rằng do “gánh lên cầu mỏi vai, đổi vai nên người ta đụng vào đổ và người ta tự đền tiền”. Tuy nhiên, khi được hỏi người ta đền tiền rồi sao không đi mà ngồi khóc lóc thảm thương gần một giờ trên cầu thì bà Ký ậm ự không trả lời.

Khi xem những đoạn video clip, hình ảnh cảnh bà hành nghề và ngồi đếm tiền với số lượng lớn thì bà mới thú nhận: “Trong một lần đi bán, do chân tui yếu nên ngã làm đổ tàu hủ ra đường. Thấy nhiều người cho tiền nên...”.

img
 
img
Màn dàn cảnh đổ tàu hủ trên cầu Sài Gòn để người đi đường rủ lòng thương cho tiền

Bà Ký cho biết mỗi lần dàn cảnh chỉ trong một giờ như vào trưa 24.4, bà thu được 700.000 đồng. Tuy nhiên, khi yêu cầu công khai số tiền thu được thì cơ quan chức năng phát hiện đến hơn 700.000 đồng.

Bộ đồ nghề của bà Ký rất sơ sài, hai đầu đòn gánh là một cái nồi lớn đựng tàu hủ (đã đổ), trong đó có ba chiếc muỗng lớn đủ loại cũ rích, bị gãy cán và bảy chiếc muỗng nhỏ, bảy cái chén lớn. Đầu bên kia là một cái thau lớn đựng mấy hòn than củi vây quanh đống tro tắt ngúm từ lâu (không hoạt động) và một bịch nước đường thắng màu vàng cam.

Ông Võ Văn Trai (trưởng Công an P.22, Q.Bình Thạnh): Phạt hành chính 2-5 triệu đồng

Bà Ký đã thừa nhận hành vi dàn cảnh để lừa đảo nhưng theo nghị định 73/CP ngày 12.7.2010, điều 18, khoản 2, bà ta chỉ bị phạt hành chính 2-5 triệu đồng rồi thả. Bởi vì chưa có người bị hại đến trình báo và chưa biết mức độ thiệt hại là bao nhiêu nên trước mắt là phạt hành chính trong khung quy định, rồi theo dõi. Nếu tái phạm sẽ có hình thức xử lý mạnh hơn.

Thời gian qua, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp lợi dụng lòng thương để lừa đảo. Chiêu thức không mới nhưng nhiều người vẫn bị lừa vì cả tin, vì thế chính người dân phải cảnh giác. Nếu phát hiện báo ngay về chính quyền gần nhất để kịp thời xử lý.

Theo Tuổi trẻ

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem