Tận mắt chứng kiến tàu, thuyền có công suất lớn của ngư dân các xã Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Quang, Tam Giang (huyện Núi Thành) nằm bờ, la liệt chúng tôi không khỏi xót xa.
Anh Trần Văn Trường - cán bộ phụ trách thủy sản của Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, giải thích: "Đúng ra, vào thời điểm này các năm tất cả tàu, thuyền đã ra khơi đánh bắt rồi. Có chiếc thời điểm này đã quay vào bờ và ngư dân chia nhau cả trăm triệu đồng, hồ hởi chuẩn bị ăn Tết.
Năm nay, thời tiết căng quá, ngư dân chuẩn bị gạo, dầu, đá lạnh... mỗi tàu vài chục triệu đồng hết rồi, vậy mà phải ngồi nhìn biển, không một chiếc được xuất bến, ai nấy buồn so".
|
Ngư dân Nguyễn Tấn Ngô cầu mong thời tiết nắng lên để đi biển đánh bắt hải sản. |
Thường vào ngày 18-19 tháng 11 âm lịch là thời điểm ngư dân xuất bến đi đánh bắt chuyến biển đầu tiên của năm mới. Mỗi tàu đi 15-60 ngày, tuỳ theo nghề và sản lượng hải sản thu được. Năm nay chuyến biển đầu năm coi như không có. Ngư dân Nguyễn Tấn Ngô buồn bã: "Chưa có năm nào, thời tiết phức tạp như năm nay. Tôi ngồi chờ biển yên 2 tháng rồi. Tết này dân biển đói hung".
Mặc dù tàu không ra biển, nhưng các chủ tàu vẫn phải lo Tết cho "bạn" tàu (để khi biển yên mà gọi thì có ngay người đi biển cho tàu mình). Các chủ tàu phải đi vay mượn tiền để tạm ứng cho mỗi "bạn" tàu từ 500.000 - 1 triệu đồng ăn Tết.
"Mấy năm trước, tầm này vào bờ cũng được chia vài chục triệu, bết bát cũng được vài triệu lận lưng ăn Tết, năm nay ở không cầm triệu bạc chẳng muốn Tết nhứt chi hết"- ngư dân Trần Đa, đi tàu lưới vây ông Bùi Công, uể oải nói. Không chỉ có tàu "nghèo", cả những chủ tàu tên tuổi là tỷ phú của làng chài Núi Thành cũng ỉu xìu vì ngồi nhà “nhậu riết” hai tháng qua.
Tam Quang là xã có số lượng tàu thuyền lớn nhất Quảng Nam. Xã này có 380 chiếc tàu, 65% dân của xã làm nghề biển, từng có thu nhập cao nhất trong các xã biển của tỉnh. Vậy mà Tết này, UBND xã Tam Quang phải đi kêu gọi hỗ trợ gạo để cấp phát cho bà con trong xã ăn Tết, trong đó có ngư dân.
Thu Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.