"Giành giật” khu vui chơi của trẻ

Thứ tư, ngày 27/10/2010 10:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - TP.HCM có gần 1,7 triệu trẻ em nhưng khu vui chơi để phục vụ cho đối tượng đặc biệt này đang vừa thiếu, vừa yếu. Trong khi đó nhiều nơi lại lấy mặt bằng khu vui chơi để kinh doanh.
Bình luận 0

 

img
khu vui chơi ở công viên Tao Đàn đã bị rào lại không cho trẻ em chơi.

10 năm vẫn chưa có nhà thiếu nhi

Ông Lý Châu Hoàng, người dân xã Long Thạnh, huyện Hóc Môn bức xúc cho biết, cho đến hiện nay huyện Hóc Môn vẫn chưa có cái nhà thiếu nhi nào, trẻ con toàn đi tắm sông hoặc chơi đá banh ngoài đường.

“Từ năm 2001, HĐND thành phố đã ra nghị quyết, trong đó có yêu cầu các quận, huyện phải xây dựng nhà thiếu nhi để trẻ con đến vui chơi. Thế nhưng đến nay đã 10 năm mà chúng tôi vẫn chưa thấy huyện xây dựng” - ông Hoàng nói. Không riêng Hóc Môn mà hiện nay các quận Tân Phú, Bình Chánh cũng chưa có nhà thiếu nhi.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, phản ánh ở nơi chị ở cũng không hề có khu vui chơi cho trẻ em, chỉ có mỗi nhà thiếu nhi huyện thì nó nhỏ bé, đồ chơi cũ kỹ và lỗi thời nên trẻ con không ham. Hiện cuối tuần nào chị cũng đưa con lên chơi ở khu vui chơi công viên Khánh Hội, quận 4.

“Nơi đây có vô số trò chơi ngoài trời lẫn trong nhà, vận động thể chất và phát triển trí tuệ, kỹ năng sống cho trẻ như cầu trượt, xích đu, cầu khỉ, sân bóng, vượt địa hình…Tất cả đều miễn phí. Nếu đâu đâu cũng có những khu vui chơi như thế này tôi tin chắc tình trạng nghiện game online, bạo lực sẽ giảm hẳn” – chị Hằng đánh giá.

“Trước công viên Tao Đàn cũng có một khu vui chơi miễn phí tương tự công viên Khánh Hội, quy mô có nhỏ hơn chút. Nhưng hôm qua tôi chở con đến chơi thấy đã rào lại. Hỏi thì mọi người bảo do có mấy đứa nhỏ giành chơi, dẫn đến đánh nhau nên ở trên cấm, không cho chơi nữa. Tôi thấy sao mà cấm vô lý hết sức” – anh Anh Tuấn, quận 1, bức xúc.

Có đúng là thiếu?

Thực trạng thành phố thiếu sân chơi cho trẻ em là điều ai ai cũng thấy. Chính bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP.HCM, trong một cuộc họp cũng thừa nhận rằng chất lượng các khu vui chơi, nhà thiếu nhi còn đơn điệu, nặng về các hoạt động năng khiếu, thể lực, thiếu các hoạt động vui chơi phát triển trí tuệ, kỹ năng sống cho thiếu nhi, trình độ của cán bộ chuyên trách còn thấp.

Thế nhưng, thực chất thành phố không thiếu sân chơi, thậm chí còn thừa nhưng bị chuyển đổi sang mục đích khác. Qua khảo sát của chúng tôi, có không ít nhà thiếu nhi đáng lẽ phải tập trung cho hoạt động chăm sóc thiếu nhi thì lại tận dụng mặt bằng để kinh doanh, mà hoạt động phổ biến nhất là cho các trung tâm thuê dạy ngoại ngữ buổi tối hoặc cho thuê tiệc cưới như Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi quận Bình Thạnh, Tân Bình… Các công viên cũng vậy.

Trong đó điển hình nhất là công viên Tao Đàn. Chỉ vì một vụ việc xô xát nhỏ giữa các em mà thực chất là do công viên quản lý kém lại đóng cửa khu vui chơi rộng chỉ 300m2, trong khi đó lại để mặt tiền rộng 400m2 cho nhà hàng Trầu Cau thuê. Hay công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) đã cắt bớt khu vui chơi để mở một cơ sở bán cây kiểng.

“Nguyên nhân ở đây là nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của chúng ta với các em còn thấp, sự đầu tư theo đó cũng còn ít, thiếu đội ngũ nhân lực, cán bộ có chuyên môn” – bà Thảo thẳng thắn nhìn nhận.

 Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan rà soát lại, chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê kinh doanh ở các nhà thiếu nhi và công viên. Ba quận, huyện Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn phải xây dựng ngay nhà thiếu nhi. “Riêng khu vui chơi ở công viên Tao Đàn, không những không được cấm mà còn phải mở rộng thêm” - ông Thuận nhấn mạnh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem