"Hỏi xoáy, đáp thẳng" với Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ

Thứ hai, ngày 20/02/2012 19:21 PM (GMT+7)
Dân Việt - Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ khẳng định AVG sẽ không lấy một đồng lợi nhuận bản quyền truyền hình. Toàn bộ lợi nhuận này sẽ được dành cho thể thao Việt Nam, ông Vũ nói với báo chí chiều 20.2.
Bình luận 0

Chiều 20.2, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT đã có cuộc trả lời báo chí tại buổi họp báo “AVG -Truyền hình An Viên và tinh thần vì Thể thao Việt Nam”. Tại đây, ông Phạm Nhật Vũ khẳng định: “AVG sẽ không lấy một đồng lợi nhuận thu được từ kinh doanh bản quyền truyền hình thể thao. Số tiền này sẽ được chia theo tỷ lệ: 30% cho VFF (mức cũ là 20%), 20% cho Thể thao quần chúng, 20% cho Thể thao thành tích cao, 30% cho Quỹ hỗ trợ VĐV Thể thao Việt Nam”…

img
Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ 

Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vũ cũng trả lời công khai các câu hỏi từ phía báo chí. Để rộng đường dư luận, báo điện tử Dân Việt đăng nguyên văn các câu hỏi đáp tại cuộc họp báo và không có bình luận gì.

Báo Sài Gòn Times: Ông nói là đây là lần đầu tiên AVG có cuộc tiếp xúc chính thức để cung cấp thông tin cho báo chí kể từ khi có việc tranh cãi về bản quyền truyền hình. Tôi thấy AVG tổ chức cuộc này quá muộn. Bản thân ông Vũ cũng như AVG đã dành ít thời gian cho báo chí. Ông có bình luận gì? Ông Kiên đã nhận lời mà tại sao lại không đến, có phải là do AVG từ chối gặp hay là ông Kiên không muốn đến.

Ông Phạm Nhật Vũ: Xin nhận trách nhiệm là đã chưa lên tiếng và cung cấp thông tin để bảo vệ mình, để tránh chuyện nhiều cá nhân, thậm chí cả đơn vị lợi dụng diễn đàn báo chí để gây sự ảnh hưởng đối với chúng tôi. Gây sự ảnh hưởng với chúng tôi chưa phải là cái gì đáng nói nhưng gây ra hiểu sai với người xem, người đọc là một việc không tốt. Nếu người xem, người đọc không hiểu vấn đề mà lỗi là do chúng tôi không cung cấp thông tin thì tôi xin lỗi.

Tôi cũng xin tâm sự một số điều: Chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho hệ thống truyền hình An Viên, chúng tôi sản xuất/liên kết sản xuất 7 kênh truyền hình, vậy các vị nghĩ gì, liệu chúng tôi còn thời gian để quan tâm đến vấn đề bản quyền hay không? Tôi nói với các anh lãnh đạo trong AVG là có lẽ ta nên không bình luận gì, cứ tập trung vào công việc của mình thay vì dành thời gian để tranh cãi.

Chúng tôi không vận động các cơ quan báo chí ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi không làm việc đó. Chỉ có một đơn vị mà chúng tôi nhờ đăng những thông tin mà chúng tôi cung cấp là Báo Công an Nhân dân, là một phần trong 7 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình của Bộ Công an.

Về câu hỏi thứ hai, quả thật là tôi không nhìn thấy anh Kiên tại cuộc họp báo này. Tôi có nhận được cuộc điện thoại của anh Phạm Ngọc Viễn nói là lãnh đạo VPF bận đột xuất nên không tham gia được. Anh ấy gọi cho tôi ngay sau cuộc họp báo của VPF vào tuần trước. Nếu hôm nay có các thành viên của VPF ở đây thì chúng tôi có thể nói với nhau ba mặt một lời. Tại sao họ không đi thì nên hỏi những người mà chúng tôi đã mời là anh Võ Quốc Thắng, anh Nguyễn Đức Kiên, anh Phạm Ngọc Viễn.

Báo điện tử Bee: Ông có thể nói một cách chi tiết và công khai các điều khoản trong bản hợp đồng mà AVG đã ký với VFF? Thanh tra đã công bố kết luân, nhưng nếu vẫn có những đài vào sân ghi hình thì AVG có động thái kiên quyết hay không?

Ông Phạm Nhật Vũ: Công khai hợp đồng không phải chúng tôi đơn phương muốn làm là được. Có điều khoản bảo mật trong đó. Tôi có nghe nói là có một trang mạng đăng công khai hợp đồng này. Nếu như vậy thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật rất nặng vì nó gây ảnh hưởng đến nhiều đơn vị, đến nhiều cá nhân.

Tôi không được phép công khai nhưng trong chừng mực từng điều khoản thì tôi cũng đã chia sẻ. Ví dụ: Điều khoản chia 20% là đã được ký cách đây hơn 1 năm chứ không phải chúng tôi chịu sức ép thì mới công bố. Anh Lê Hùng Dũng đã đưa vào hợp đồng một điểm là chi phí không được vượt quá 20% doanh thu. Chúng tôi vẫn đồng ý.

Về câu hỏi thứ hai của bạn, sau đây chúng tôi phải làm gì để bảo vệ mình? Nếu chỉ là bảo vệ chỉ một mình chúng tôi thì tôi không không quan tâm, nhưng nếu phải bảo vệ lợi ích của số đông, của thể thao Việt Nam thì tôi sẽ sử dụng các biện pháp cứng rắn. 

Báo Nông thôn Ngày nay: Truyền hình An Viên là thương hiệu truyền hình mới, liệu có phải vì thế mà truyền hình An Viên gắn với V-League và câu chuyện bản quyền để làm PR hay không?

Ông Phạm Nhật Vũ: Nói về PR thì bất kỳ ai là chuyên gia đều phải tính toán xem ta làm cái gì, thông qua ai, trong thời gian sao, chi phí hết bao nhiêu. Phải vận động, hô hào, lôi kéo. Chúng tôi được đưa vào cuộc chơi mà không có sự chuẩn bị gì ngoài sự chuẩn bị nghiêm túc và đầy đủ về luật pháp. Đây ko nằm trong tính toán của AVG và AVG không định mượn nó để làm PR. 

VOVNews: Một trang báo mạng nếu cho clip bàn thắng của giải đấu mà các ông đã có thương quyền lên trang và có kèm quảng cáo thì đó có phải là một sự vi phạm bản quyền hay không?

Ông Phạm Nhật Vũ: Trang mạng đó đăng clip, nhúng quảng cáo vào tức là có doanh thu, tức là khai thác thương mại. Như thế là có vi phạm.

Báo Thanh Niên: Mỗi một CLB nhận được hỗ trợ từ VFF thông qua bản quyền truyền hình là 90 triệu đồng/năm. Chi phí thì mất hàng trăm tỷ đồng/năm. Ông có nghĩ số tiền chi cho các CLB là quá ít không? Chiều mai VPF có một cuộc làm việc với Tổng cục đề nghị xem xét lại 20 năm. Bình luận của ông?

Ông Phạm Nhật Vũ: Tôi không có ý định nói đến VPF, cũng không có ý định nói đến những sai phạm của các tổ chức, cá nhân khác. Nhưng bây giờ, tôi sẽ nói, với tinh thần mọi chuyện phải có đầu, có cuối một cách rõ ràng. VPF đề nghị xem xét lại hợp đồng, việc này không có gì mới mẻ. Thậm chí VPF còn đòi hủy cả hợp đồng cơ mà.

VPF đã không chờ tới ngày hôm nay để mới lên tiếng đòi xem xét lại bản hợp đồng vì trên thực tế họ đã có rất nhiều hành động cụ thể để không tôn trọng bản hợp đồng này rồi. Giờ này, họ tiếp tục đòi xem xét hay đòi một quyền khác thì đó không phải là việc của tôi và AVG.

Báo Bưu điện Việt Nam: Theo Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế truyền hình trả tiền thì đơn vị truyền dẫn không được sản xuất chương trình. Xin hỏi AVG là đơn vị truyền dẫn hay là Đài Truyền hình? 

Ông vừa nói, bản thân kinh doanh là phải có lời, nếu không lời thì lỗ, thế thì ông nói sẵn sàng bắt tay với các đài để phát sóng thì các đài sẽ có lợi ích gì ở đó? 

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ: Chúng ta đang phát rất nhiều kênh truyền hình nước ngoài mà trên đó quảng cáo ầm ầm mà chúng ta chẳng được chia chút nào, ví dụ như HBO là một trong những chương trình có quảng cáo, hay AXN, Star Movies,… tại sao các đài lại phát các chương trình nước ngoài trên mà không dành thời lượng để quảng bá cho thể thao Việt Nam. Vì vậy, tại sao lại từ chối? Tôi không hiểu! Nhưng cái lợi của các đài khi tiếp sóng các chương trình của AVG là không phải sản xuất, không phải mất chi phí truyền dẫn, mà tự dưng có sản phẩm để phát.

Báo Bưu điện Việt Nam: Vậy những chương trình của AVG liệu có hay như Star Movies hay HBO để cuốn hút người xem không?

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ: Khái niệm hay - dở là khái niệm tương đối. Chúng tôi tin các chương trình chúng tôi là hay. Nếu các chương trình mà AVG đang sản xuất chưa phải là tuyệt thì cũng là gần tuyệt và chúng tôi sẽ phấn đấu để có được những chương trình hay nhất. Đó là mục tiêu của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm điều ấy.

Truyền dẫn phát sóng hay là đài truyền hình thì tôi xác nhận lại là: AVG không là đài truyền hình vì khái niệm đài truyền hình đã được ghi trong các văn bản cùa nhà nước, trong đó xác định rất rõ đó là cơ quan báo chí, gọi là báo hình thì chúng tôi không phải là đài truyền hình.

Chúng tôi là đơn vị có quyền: Thứ nhất là truyền dẫn phát sóng, thứ hai là cung cấp dịch vụ, thứ ba là chúng tôi đương nhiên có quyền sản xuất các chương trình truyền hình. Nhưng chúng tôi không được duyệt chương trình mà phần này chúng tôi phải liên kết với đơn vị kiểm duyệt nội dung. Hiện nay, chúng tôi liên kết rất nhiều như với Đài PT-TH Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm duyệt một phần của chúng tôi, đài PT-TH Bình Dương là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ chương trình của chúng tôi và một số đài truyền hình khác. Hoặc là chúng tôi mang sản phẩm sản xuất được như “Camera giấu kín” đến ANTV (Truyền hình Công an Nhân dân) và tại phòng tổng khống chế sẽ được kiểm duyệt trước khi đưa lên sóng của ANTV.

Báo Bưu điện Việt Nam: Trong quy chế các đơn vị truyền dẫn không có quyền sản xuất chương trình truyền hình, nhưng tôi sẽ dành câu hỏi này tới ông Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) để hỏi lại.

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ: Anh có thể nhận các văn bản kết luận bên thanh tra Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch trong đó, Bộ VHTTDL đã gửi băn bản xin ý kiến của Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tư pháp, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Khánh Hòa (có sự chỉ dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư) đã kết luận, hợp đồng VFF-AVG là hoàn toàn hợp pháp.

VOV: Trong trường hợp VPF sau khi đã nhận đầy đủ các quyền từ VFF thì khi đó họ có quyền đàm phán lại hợp đồng hay không?

Trong trường hợp VTC gửi công văn thứ hai sang AVG đề nghị cho phép chọn để ghi hình thì AVG có đồng ý hay không như anh Quang Huy đã nói là vì lợi ích của người xem?

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ: Điều mà anh Quang Huy nói là vì lợi ích của người xem thì chúng ta ở đây có đủ cơ sở, đủ lý lẽ, đủ thông tin như tôi đã trình bày để khẳng định rằng có phải vì người xem hay không. Nói thật là tôi không tin. Tôi không tin đó là vì người xem! Chắc chắn đó không phải vì người xem! Còn những lợi ích gì ở đằng sau thì xin phép tôi không nói ở đây.

Việc xem xét hay hủy bỏ hợp đồng của VPF thì đấy là việc của họ. Nếu có đàm phán với nhau hay không, cho dù đấy là đơn vị truyền dẫn phát sóng, là đài truyền hình hay là VPF, VFF… thì tôi sẽ trả lời sau đây.

Thời gian qua, AVG đã làm gì cho thể thao Việt Nam thì các bạn đã biết, chúng tôi đã đóng góp cho thể thao Việt Nam khoảng 1 triệu đô la (USD). Còn những gì mà AVG đang làm thì đó là đang duy trì Quỹ hỗ trợ VĐV Thể thao Việt Nam, chúng tôi đóng góp luôn 2 tỉ đồng.

Từ trước đến nay, các giải bóng đá U19 có đội quốc tế tham gia thì chẳng ai chi tiền, chẳng ai cung cấp, thì chúng tôi đã làm.

Về chia lợi nhuận thương quyền truyền hình thì chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 16.1.2012 về phân chia lợi nhuận dựa trên những biên bản làm việc với bác Nguyễn Danh Thái (nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL) và bác Thái hoàn toàn thống nhất. Bác Thái đã hỏi lại là có đúng thật như thế không thì tôi đã trả lời, tôi nói thật, quân tử không nói chơi. Chúng tôi sẽ chia tất cả 100% lợi nhuận thương quyền cho thể thao Việt Nam.

Ngày 15.6, chúng tôi đã làm việc tại Tổng cục TDTT và chúng tôi đã chốt. Rồi sau đó 8.12, chúng tôi có cuộc làm việc chính thức với Tổng cục trước khi thành lập Quỹ ngày 5.1.2012.

Chúng tôi chia 30% cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, chia cho Quỹ hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam 30%, 20% chia cho Thể thao thành tích cao, 20% chia cho Thể thao quần chúng. Xin chia sẻ với các bạn rằng, thể thao quần chúng là mảng tôi quan tâm nhất. Một năm chúng ta có khoảng 3.000 cháu bị chết đuối. Đó là điều đáng buồn! Với thể thao quần chúng thì chúng tôi quan tâm đến bơi lội học đường, bóng rổ học đường để phát triển thể trạng cho các cháu. Chúng tôi có mục tiêu, chúng tôi có kế hoạch rõ ràng.

Tôi rất cảm ơn những gì vừa qua khi VPF, cá nhân anh Nguyễn Đức Kiên hay ai đó đã công khai tuyên bố ủng hộ 70 tỉ, 100 tỉ đồng. Tôi rất ấn tượng với con số này và trong ngày mai, khi anh Kiên đến gặp tôi, tôi sẽ hỏi anh Kiên có giữ lời không thì ủng hộ ký được hợp đồng 70 tỷ đồng trong 3 năm. Tôi cực kỳ mong điều đó! Mục tiêu cao nhất là lợi nhuận thì tôi cũng phấn đấu như vậy. Tôi muốn bắt tay, thậm chí rất chặt với các đối tác để chuyển khoản sang ngang, không giữ một đồng nào để ủng hộ cho sự phát triển của thể thao Việt Nam. Giả sử lúc đầu chưa sinh lợi thì sao? Tôi sẽ bỏ tiền của tôi ra để làm.

Nếu ai đó có suy nghĩ rằng, AVG vì sức ép dư luận nên mới có tuyên bố này thì các bạn đã nghĩ sai bởi chúng tôi có văn bản rõ ràng, có chiến lược hành động rõ ràng vì thể thao Việt Nam thời gian qua. 

Báo Lao động: Ông nói nhiều đến quyền lợi của các Đài về việc có sóng mà không truyền. Chắc là các Đài phải trả lời. Đây là cái ngọn của vấn đề. Trong một bài báo có 42 comment thì có tới 38 comment phản đối AVG, phản đối vì hợp đồng 20 năm ảnh hưởng nhiều đến tương lai của bóng đá Việt Nam. Người ta lo rằng bóng đá sẽ không phát triển vì tiền bản quyền cho CLB không nhiều. Ông nói là AVG trích 100% lợi nhuận cho phát triển thể thao Việt Nam. Liệu ông có khẳng định là có lãi hay không? Nếu không lãi thì bóng đã sẽ bị hại.

Ông Phạm Nhật Vũ: Tôi không tin vào con số comment. Chúng tôi cũng đã thử comment nhiều lần nhưng có bao giờ được đăng đâu?  Tôi đang rất muốn cộng tác với các đơn vị tạo ra nguồn thu để tạo ra được lợi nhuận. Nếu trong thời gian chưa có lợi nhuận thì chúng tôi vẫn bỏ tiền ra để làm. Đó có phải là sự thật không?

Tôi thực sự mong và tôi có lời đề nghị chính thức là chúng ta giữ cái thứ cao hơn tiền, cao hơn lời khen: ĐÓ LÀ SỰ TỰ TRỌNG. Rất nhiều người ở đây và không ở đây có điều đó. Nhiều người chưa tự tin thì có thể có nghiệp trong đó nhưng tôi không đi sâu vào việc này. Tôi muốn tất cả chúng ta cùng vui, tất cả chúng ta cùng tốt. Rất mong chúng ta chín bỏ làm mười!

Báo Tuổi trẻ: Những gì ông định làm cho thể thao Việt Nam có thật không? Hai mươi năm tới thì ông còn tiếp tục làm cho thể thao Việt Nam hay không? Ai giám sát việc làm của AVG?

Ông Phạm Nhật Vũ: Đề nghị tất cả các anh chị cùng giám sát. Toàn xã hội cùng giám sát những gì tôi đã nói.Làm gì có chuyện đã cam kết mà lại không làm, như thế thì làm gì có câu chuyện lâu dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem