Tờ báo cho người nghèo
Không phải bây giờ mà từ xửa từ xưa, người làm báo xứ ta đều thấy khổ nhất là làm báo cho hai đối tượng, một là báo văn học nghệ thuật cho văn nghệ sĩ và hai là báo cho nông dân. Loại báo đầu (VHNT) ế vì số lượng đối tượng mua báo, ham đọc báo này quá ít. Cả nước dễ có bao nhiêu nhà văn nhà thơ và người yêu văn chương?
Báo ế là phải. Loại thứ hai, ngược lại, đối tượng của báo lại thuộc khối dân số đông đảo nhất, dễ tới 80% dân số mà cũng khó bán báo. Có lẽ vì nhiều nông dân ít chữ, đầu tắt mặt tối quanh năm, hồi chưa có điện thì phải tiết kiệm tiền dầu, thường phải đi ngủ sớm để lấy sức cày cuốc, cấy hái.
Nông dân lại ít tiền, người thành phố bỏ ra năm bảy ngàn mua báo rồi rung đùi ngồi đọc bên ly cà phê không sao, chứ với nông dân thì coi như vỡ mất mấy quả trứng gà hay mấy cân thóc, xót ruột lắm!
Hàng ngày, người dân xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đều đến UBND xã để đọc báo NTNN. Ảnh: Ngọc Lê
Cái nghịch lý ấy tồn tại lâu năm, góp phần không nhỏ làm nông thôn cứ luẩn quẩn trong vòng nghèo nàn, lạc hậu. Bởi vì, nông thôn muôn đời vẫn là cái nôi cái gốc văn hóa dân tộc, quyết định tầm vóc, vị thế của đất nước, nông dân không đọc báo hay không có báo đọc thì cái mặt bằng dân trí, dân khí khó được nâng cao, khó được mạnh mẽ.
Những nhà văn hóa yêu nước thương nòi trước đây tuy chưa đủ sức để ra một tờ báo chuyên dành cho nông dân nhưng báo của họ luôn hướng về nông dân, bênh vực quyền lợi dân cày, mở mang hiểu biết của dân cày, như tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng hay tờ Phong Hóa, Ngày Nay đối tượng chính là dân thành thị nhưng mảng nông thôn rất ấn tượng. Phải nói cho cân, thời Pháp thuộc tuy kinh tế thị trường trăm phần trăm nhưng người làm báo có tâm huyết với đất nước vẫn không quên nông thôn và nông dân, dù họ có thể chịu thiệt về mặt thương mại.
Họ không chạy theo làm đầy tớ cho đồng tiền, chỉ nhăm nhe đăng tin cướp giết hiếp. Có được một tờ báo chăm lo phần hồn nông dân, thực sự vì nông dân, day dứt với cuộc sống còn nhiều nan vấn sau lũy tre là đại phúc cho tầng lớp làm nên lịch sử và văn hóa dân tộc nhưng lắm thiệt thòi.
Hãy đến gần nông dân hơn nữa
Tôi không tham gia viết cho báo NTNN từ những ngày đầu, nhưng đã biết sự ra đời rất xứng đáng của báo, cũng rất mừng vì nông dân có một tờ báo cho riêng mình để đọc.
Cảm nhận qua nhiều năm đọc và cộng tác với NTNN, những người làm báo NTNN đã gieo được cái hồn, cái mầm tình cảm quan tâm, gắn bó với người đọc, thiếu nó thì không tờ báo nào tồn tại được. Ngoài nhiệm vụ đương nhiên là chuyển tải chính sách và hiểu biết về nông nghiệp, nông thôn, tờ NTNN đã tô đậm được cái riêng của mình, mấu chốt để lấy được tình yêu của độc giả. Những trang chuyên đề văn hóa, thể thao, nghệ thuật, showbiz khá sinh động được đưa vào từ từ, mưa dầm thấm lâu.
Cùng với phương tiện phát thanh truyền hình, nhờ tờ báo của mình mà nông dân vốn lâu nay xa lạ với cuộc sống hiện đại đã bắt đầu làm quen với kỹ nghệ giải trí mỗi ngày một phong phú, mạnh mẽ, chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống, mà không biết gì về nó là một trong những biểu hiện lạc hậu của lớp trẻ nông dân.
Nếu những người có tuổi nhớ lại thời chiến tranh và chưa hội nhập, những năm 70 thế kỷ trước họ vẫn không biết Pélé, những năm 80 không biết Michale Jackson là ai, thì hôm nay nhiều thanh niên sau lũy tre đã là fan của nhiều đội bóng Tây Ban Nha hay Anh quốc, biết danh thủ nào sắp được chuyển nhượng về đội nào.
Những chuyện đó không là gì và có thể là quá dễ biết với dân thành thị nhưng lại có ý nghĩa với nông dân, họ đang bắt đầu những bước rụt rè đầu tiên hội nhập với hơi thở của thế giới hiện đại. Những trang báo về văn hóa, giải trí của NTNN đã tạo được bản sắc riêng, có liều lượng và giọng điệu hợp lý, vui mà không nhảm, có chọn lọc.
Mười năm nay tôi giữ mục “Nhật ký nhà văn” (hàng tuần) trên trang văn hóa của NTNN với tình cảm của một nhà văn có nhiều duyên nợ với nông thôn. Từ một góc nhỏ khiêm tốn của trang báo, ngoài những suy nghĩ của một nhà văn công dân về thời sự, tôi có tham vọng truyền đạt và nuôi dưỡng những cảm hứng văn chương trong người đọc ở nông thôn, nơi từng ấp ủ và khai sinh những tài năng văn học lớn của đất nước. Nên chăng đây là một gợi ý cho tờ báo của nông dân với một mục đích cao hơn, xa hơn những vấn đề sốt dẻo hàng ngày.
Một đề nghị cụ thể, với một tờ báo ra hàng ngày, NTNN rất có khả năng in những tiểu thuyết "feuilleton" (đăng nhiều kỳ) để đưa văn học đến trực tiếp với nông dân, vấn đề là tìm được tác giả và tác phẩm có khả năng thu hút người đọc nông thôn.
Ngoài ra, những bài báo hay tin tức trên tờ NTNN nên được nâng cao về khả năng ngôn ngữ báo chí. Phải tiếp cận với đối tượng nông dân, các tác giả nên tìm cho mình giọng điệu thích hợp, giản dị và "bỗ bã" để dễ gần hơn với người đọc. Tờ báo cũng nên có nhiều bài hơn để nâng cao nếp sống văn minh, hiện đại của người nông dân, giúp họ thuận lợi hơn khi ra thành phố hay nước ngoài.
31 năm chưa phải là dài nhưng với một tờ báo, đó là một quãng thời gian rất quan trọng và "hiếm có". Tồn tại được đã là khó, hơn thế nữa, NTNN còn phát triển thêm số thêm trang. Cảm ơn sự cố gắng của mọi người, những người làm báo cho nông dân đã tạo được một cái hồn thôn dã cho tờ báo của mình qua năm tháng, hồn của báo và hồn của người làm báo cũng như độc giả đã chan hòa làm một trong cái hồn chung của một nông thôn đang khởi sắc.
Cảm ơn sự cố gắng của mọi người, những người làm báo cho nông dân đã tạo được một cái hồn thôn dã cho tờ báo của mình qua năm tháng, hồn của báo và hồn của người làm báo cũng như độc giả đã chan hòa làm một trong cái hồn chung của một nông thôn đang khởi sắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.