Chồng bốc thuốc, vợ chữa bệnh
Ông Nguyễn Hồng Khôi (thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) quê gốc ở Đại Lộc, Quảng Nam. 12 tuổi, ông được cha truyền cho bài thuốc bí truyền chữa bệnh viêm tai. Lớn lên ông đi bộ đội, và không có ý định hành nghề y.
“Nhưng rốt cuộc nghề y nó chọn tôi, lúc đó tôi đi thi làm phi công nhưng khi thử thể lực thì bị thương, sau đó tôi học quân y và làm y sĩ, chủ yếu xử lý ngoại khoa ở các chiến trường”- ông Khôi chia sẻ.
|
Bà Sinh lau tai, chấm thuốc cho bệnh nhân viêm tai giữa. |
Thời điểm đóng quân ở Sơn Tây, ông Khôi bén duyên với cô gái làng Vân Gia tên Chu Thị Sinh. Năm 1980, ông về Vân Gia xây nhà, tình cờ ông thợ xây có con trai bị viêm tai giữa. Tai chú bé đó thối tới mức đến bữa ăn, cả nhà cho cậu bé ăn một mình ở gốc rạ. Ông bảo đưa cậu bé tới rồi hái lá thuốc, sắc ra lấy nước chấm và rửa tai cho cậu bé, chừng nửa tháng thì khỏi.
Từ ông thợ xây, người nọ truyền người kia, 31 năm qua, ông bà chữa bệnh cho hàng ngàn người. Giờ ông hay về quê (Quảng Nam) nên bà Sinh trực tiếp lau tai, làm thuốc cho người bệnh. Bà Sinh vốn là công nhân về hưu, hồn nhiên lau tai cho bệnh nhân bằng thuốc ở 2 lọ, xong có bôi chút gì như dầu gió. Thiết bị soi tai tự chế bằng đèn pin và một đai để đeo quanh đầu.
Với cách chữa này, bà Sinh khẳng định đã chữa khỏi bệnh cho hàng trăm người.
Thấp thỏm “luật gia truyền”
Đại tá Trần Ngọc Thanh - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quân y 105, Sơn Tây cho biết: “Tôi chưa tiếp cận với bài thuốc và cách chữa bệnh của vợ chồng ông Khôi nên không nhận định về hiệu quả. Thực tế tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến nhà ông Khôi, bà Sinh chữa bệnh nhưng không khỏi, phải quay lại Viện 105 để khám và điều trị lại. Về bài thuốc của ông Khôi, cần có nghiên cứu để xem hiệu quả tới đâu”.
Minh Nguyệt (ghi)
Thuốc mà ông Khôi sử dụng chấm tai cho bệnh nhân được ông khẳng định 100% làm từ lá thuốc Nam. Ông Khôi nói: “Vì thuốc gia truyền nó có “luật gia truyền” nên tôi không thể tiết lộ. Như nhà tôi, có rất nhiều con trai nhưng bố tôi chỉ truyền cho tôi. Nó là sự lựa chọn thế hệ và cũng có chút gì đó mê tín. Chẳng hạn cũng lá thuốc đó, cũng sao hái như thế nhưng người chế được thành thuốc chữa bệnh, người thì không”.
Theo lý giải của ông Khôi, cùng 1 loại thuốc Nam, dược chất trong lá sẽ thay đổi trong ngày. Hái buổi sáng khác, trưa khác, chiều khác mà tối cũng khác, khi hái về sao ngay, giã ngay, chưng cất ngay hay để se, để khô mới làm việc đó cũng là bí quyết để giữ dược chất chữa bệnh.
Chính vì thế, ông Khôi cũng tự nhận bài thuốc của mình: “Kết quả tác động không đồng đều, việc chữa bệnh còn tùy thuộc vào cơ địa, có người đặt thuốc, làm thuốc tai thì khỏi ngay, nhưng có người không khỏi. Nhưng tôi tin chắc rằng số người khỏi rất nhiều. Tôi chữa bệnh này không có biển hiệu, không đăng ký, quảng cáo… vậy mà rất nhiều người biết đến, tìm tới đây chữa”.
Thực tế chữa bệnh của ông bà Khôi - Sinh chưa từng được nghiên cứu, tổng kết xem xác suất chữa khỏi là bao nhiêu và bài thuốc có những ưu điểm gì. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc cho các nhà khoa học nghiên cứu phương thuốc, xem xét về dược chất để có thể nhân rộng bài thuốc quý, ông Khôi lắc đầu quầy quậy bởi sợ “vi phạm luật gia truyền” và không chia sẻ với ai bài thuốc này. Đó cũng là lý do mà hiện nay, rất nhiều bài thuốc quý không được công nhận, cũng như có nhiều lang băm lợi dụng danh tiếng các bài thuốc để khám chữa bệnh “chui”.
Kiều Lê An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.