"VĐV dùng chất kích thích dễ tử vong"

Thứ tư, ngày 12/09/2012 13:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - GS Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Chủ tịch VFF, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT cho rằng các VĐV “dính doping” luôn bị tử thần đe dọa...
Bình luận 0

Đó là ý kiến của ông Chí trong cuộc trao đổi với NTNN chiều 11.9.

Ông nghĩ gì khi xem clip cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng nghi bị “phê thuốc” gây xôn xao dư luận?

- Qua clip trên mạng, thì trạng thái của cầu thủ này chắc chắn không chỉ do rượu gây ra. Doping trong thể thao có 6 nhóm, trong đó có 1 nhóm chất gây nghiện và giảm đau.

Những VĐV dùng doping không đúng cách hoặc quá liều sẽ có những biểu hiện: Đau đầu, toát mồ hôi, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, bất tỉnh, hung hãn bất thường...

img
Huy Hoàng trong màu áo của SLNA.

Khi có những biểu hiện này, có thể kết luận ban đầu là có sử dụng doping mà không cần phải thử. Tôi nghĩ, lãnh đạo các CLB, HLV cần phải biết những biểu hiện này của VĐV để kịp thời theo dõi, nhắc nhở, thậm chí sa thải.

Nhưng thực tế công tác giáo dục ở địa phương còn quá kém và đó là nguyên nhân khiến nhiều VĐV dễ dàng sa ngã. Ông có cho là như vậy?

- Hiện nay, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đang là chủ nhiệm của một đề tài lớn cấp Bộ: “Lối sống của VĐV chịu ảnh hưởng của thể thao, văn hóa, du lịch thế nào”.

Lối sống của VĐV chúng ta, nhất là bóng đá quá tệ so với thế giới. Trong khi vấn đề giáo dục văn hóa, thể thao thành tích cao đang được thế giới ưu tiên hàng đầu (chứ không phải tiền) thì ở Việt Nam điều này lại bị coi nhẹ.

Ông có thấy lạ khi tại thời điểm vụ việc xảy ra, cơ quan công an không lấy mẫu nước tiểu của Huy Hoàng để giám định?

- Theo tôi, cơ quan công an đã đúng bởi với họ Huy Hoàng cũng chỉ là một người bình thường, do đó chỉ xem xét vấn đề xử lý vi phạm giao thông. Những vấn đề khác, trong đó có doping không phải trách nhiệm của họ.

“Giáo dục về lối sống trong tập luyện, thi đấu lẫn cuộc sống đời thường của ta đều kém”.

Đó là chưa kể tới việc công an muốn giám định cũng rất khó bởi muốn lấy nước tiểu cũng phải mất hàng giờ, sau đó gửi ra Hà Nội trong khoảng 12-18 giờ. Hơn nữa, hiện nay chúng ta chưa thể giám định được gì ngoài nhóm chất gây nghiện.

Các nhóm chất khác thuộc doping thì chịu, phải gửi sang Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc-nơi có những trung tâm doping được Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) công nhận tiêu chuẩn. Với các môn thể thao khác thì khó, nhưng với bóng đá Việt Nam thì hoàn toàn có thể làm được. Tại sao VFF, VPF không thử một số trường hợp làm “án điểm” để răn đe? Doping luôn là vấn đề chung của thể thao nhưng quốc tế họ làm nghiêm và đã hạn chế được rất nhiều.

Thời gian qua, Viện Khoa học TDTT đã có phương án gì để hạn chế tệ nạn trong giới VĐV thể thao?

- Viện đang trình Tổng cục TDTT để Viện trình Bộ VHTTDL ký ban hành Thông tư: “Giám định huấn luyện và thi đấu thể thao”, trong đó có vấn đề về giám định doping. Khi thông tư được ban hành, cơ quan giám định doping của Việt Nam có thể yêu cầu giám định với 1 VĐV vào bất kỳ lúc nào. Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật rất nặng.

Hiện tại, tôi chỉ muốn cảnh báo với các VĐV đã “dính doping” là doping còn khó bỏ, phức tạp, nguy hại hơn cả thuốc phiện. Với những ai đã dùng, muốn bỏ cũng phải được thăm khám, tư vấn, làm từng bước. Nếu đột ngột bỏ, có thể dẫn tới đột tử. Những trường hợp VĐV đột tử trên thế giới và cả ở Việt Nam hầu hết đều do vấn đề tim mạch. Nhưng nguyên nhân dẫn tới vấn đề tim mạch nhiều khả năng chính là doping.

CSGT “bó tay” với lái xe nghi sử dụng chất kích thích

Xung quanh vụ việc cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng bị nghi có sử dụng chất kích thích khi điều khiển xe ô tô gây tai nạn giao thông tại TP.Thanh Hóa, ngày 11.9, trao đổi với phóng viên NTNN, một cán bộ của Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho biết trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng chất có cồn (bia, rượu) thì CSGT có quyền dừng xe và yêu cầu đo nồng độ cồn của người đó (nếu trạm CSGT đó được trang bị thiết bị đo nồng độ cồn).

Trong trường hợp nghi lái xe sử dụng chất kích thích, cán bộ này cho biết cũng hơi khó xử lý vì lực lượng CSGT trên đường chưa được trang bị thiết bị nào có thể kiểm tra nhanh việc sử dụng chất kích thích. Test kiểm tra nhanh thường thực hiện với nước tiểu của người bị nghi ngờ và phải do cơ quan có chức năng (hoặc bệnh viện) và dùng phương tiện phù hợp để kiểm tra, chứ với lực lượng CSGT thì... bó tay!

Một cán bộ CSGT của Phòng CSGT – Công an TP.Hà Nội cho rằng, nếu khi kiểm tra mà phát hiện người lái xe có hành vi khác thường, nghi sử dụng chất kích thích (như ma túy, hồng phiến, đá…) và không đủ năng lực để kiểm soát hành vi của bản thân cũng như điều khiển xe, có thể gây tai nạn cho người đi đường, CSGT có quyền đưa xe và người lái xe đó về trụ sở công an địa phương gần nhất, sau đó yêu cầu đơn vị chức năng (bệnh viện) giám định nước tiểu bằng test thử nhanh. Khi có kết quả xét nghiệm chính xác, cơ quan chức năng có thể xử lý người lái xe đó theo quy định của luật pháp.

Cũng trong ngày 11.9, trao đổi với báo giới, thượng tá Trịnh Đăng Vinh - Phó Trưởng Công an TP.Thanh Hóa - cho biết, khi gây tai nạn, cầu thủ Huy Hoàng lái xe trong tình trạng không biết gì: “Khi về trụ sở, tôi thấy Huy Hoàng cứ gục mặt xuống bàn. Huy Hoàng lúc đó có mùi rượu, không bất tỉnh nhưng trong trạng thái lơ mơ”. Theo hồ sơ của cơ quan Công an TP.Thanh Hóa, cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng đã điều khiển xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tay lái, vượt ẩu gây va chạm giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem