Trong số 37 lao động bị trả về của huyện Nam Trà My, xã vùng cao Trà Tập có 7 người. Nhà ông Trần Đình Noa ở làng Tu Gia (thôn 2) có 2 con vừa bị Malaysia trục xuất về nước. Cả gia đình khóc rỉ rả vì không biết lấy gì trả 48 triệu đồng tiền nợ ngân hàng (vay ưu đãi để đi xuất khẩu lao động).
|
Từ ngày về quê, chị Diêm đi hái măng rừng để kiếm sống. |
Ngày 12.12.2009, con trai ông Noa là Trần Đình Khối (sinh năm 1991), đang học dang dở lớp 11, đã rời làng Tu Gia sang làm việc tại Malaysia theo Chương trình xuất khẩu lao động giải quyết việc làm thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Theo lời Khối, qua nước bạn, anh được đưa vào làm việc tại Công ty UNI – GLOVES chuyên sản xuất găng tay. Nhưng lương mỗi tháng chỉ 3 triệu đồng, chứ không phải là 6-7 triệu đồng như đơn vị đưa đi đã hứa. Tuy vậy, với quyết tâm ra đi để thay đổi số phận, ngày ngày, anh Khối cùng với các thanh niên đồng hương khác vẫn siêng năng làm việc, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy công ty. Tuy nhiên, đến ngày 19.10.2010, anh bị công ty này đưa ra sân bay để lên đường về nước trong sự bàng hoàng, ngơ ngác không biết vì nguyên nhân gì.
Khi về tới Việt Nam, anh Khối liên hệ với công ty đưa đi để hỏi vì sao mình bị trục xuất thì được nghe câu trả lời: Vì hộ chiếu hết hạn (?). Những lao động khác bị trả về cũng vì lý do chung chung như không đảm bảo sức khỏe để làm việc”.
Ông Hồ Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã Trà Tập, cho biết: Địa phương rất khó nhọc vận động thanh niên đi XKLĐ. Chúng tôi coi đây là một hướng tốt để giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Không ngờ cơ sự lại ra thế này. Bây giờ xuống dân không biết giải thích làm sao.
“Ngoài làm việc cụ thể với 2 công ty XKLĐ để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi sẽ đối thoại trực tiếp với tất cả lao động bị trục xuất về quê để tìm biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ” - ông Hồ Văn Ny – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định.
Ánh Trà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.