377 tỷ đồng đã "rót" vào du lịch canh nông tại Lâm Đồng
377 tỷ đồng đã "rót" vào bao nhiêu héc-ta của du lịch canh nông tại Lâm Đồng?
Văn Long
Thứ tư, ngày 21/12/2022 08:06 AM (GMT+7)
Toàn tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư 377 tỷ đồng để đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông trên diện tích hơn 300ha nhưng vẫn có nhiều điểm nghẽn khi địa phương ban hành quy chế tạm thời để đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh loại hình du lịch này.
Chiều ngày 20/11, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã có được sự tham dự của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian vừa qua, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các nội dung quy định tại quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Viết Vân phát biểu tại Hội nghị đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.
"Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, Quy chế đã tạo cơ sở pháp lý giúp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh các mô hình du lịch canh nông theo đúng định hướng, đảm bảo tính chuyên nghiệp và bền vững, qua đó du lịch canh nông đã và đang phát triển đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, cho doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện quy chế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và phát sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Chính vì vậy, tại hội nghị, Ban Tổ chức mong nhận được nhiều ý kiến phát biểu về những kết quả đạt được, nêu ra những vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai quy chế. Bên cạnh đó, đề xuất những biện pháp khắc phục cũng như giải pháp hữu ích nhằm phát triển mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới", ông Nguyễn Viết Vân nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nhận định, trong thời gian qua, tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỷ đồng trên diện tích hơn 300 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9 ha và diện tích đất khác là 81ha. Tổng diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe... chiếm khoảng 20,8 ha.
Sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, ổn định cuộc sống của người dân trong vùng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông. Đến nay, sở đã cấp thẻ hướng dẫn viên cho 198 hướng dẫn viên tại các điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tiếp nhận và cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cho 761 đơn vị trong đó có 11 đơn vị du lịch canh nông.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông, dẫn đến quản lý loại hình du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng theo đề án thí điểm gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp. Thứ nhất là tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp...
Đặc biệt, đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách tại các điểm hiện nay đều do chủ vườn thuyết minh, hướng dẫn. Tuy kiến thức vững nhưng về kỹ năng thuyết minh, giới thiệu sản phẩm cho du khách còn chưa thu hút, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với du khách khi đến tham quan trải nghiệm. Hơn nữa, hoạt động du lịch canh nông chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp nên không được phép đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, yêu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch canh nông là phải có đường đi, nhà vệ sinh, khu trưng bày, nhà chờ, bãi đậu xe phục vụ du khách...".
Tuy nhiên, sản phẩm cho khách du lịch tham quan ở một số mô hình du lịch canh nông còn trùng lặp, chưa tạo ra sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Các mô hình còn thiếu các điều kiện về trang thiết bị, khu vực phục vụ cho du khách như: Nhà đón tiếp khách, bãi đậu đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn, tủ thuốc/túi thuốc y tế nhằm ứng phó trong những trường hợp khẩn cấp, hạ tầng giao thông đấu nối đến các điểm du lịch canh nông chưa thuận lợi...
Kết luận tại hội nghị, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp tất cả các ý kiến của các doanh nghiệp đã nêu trong hội nghị để tỉnh có kết luận điều chỉnh nhằm triển khai tốt hơn loại hình du lịch này trong năm 2023. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá loại hình du lịch canh nông gắn liền với thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lạnh” dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú, đặc biệt trên nền tảng của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở NNPTNT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư… cũng cần có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể để làm sao giúp các doanh nghiệp, HTX rút ngắn các thủ tục đầu tư ngắn gọn nhất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển trên cơ sở phải đảm bảo đúng Luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.