Sáng nay, tại trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh, hai chị em Ngô Thị Mai và Ngô Văn Lựu (ở thôn 5, xã Hòa Khương, Hòa Vang, con của mẹ nuôi ông Thanh) với những giọt nước mắt cứ lăn dài, không kìm nén được. Ánh mắt đỏ hoe, anh Lựu nghẹn ngào nói: "Chúng tôi xuống đây từ sớm mà chưa được vào nhìn anh lần cuối".
Hai chị em Ngô Thị Mai và Ngô Văn Lựu.
Vừa khóc, anh Lựu vừa kể: “Trước đây khi đi học ở Liên Xô (cũ) về, anh Thanh làm đội trưởng đội thanh niên xung phong ở xã Hòa Phú (Hòa Vang). Thời đó, anh chưa có gia đình, sống một mình, cuộc sống khó khăn lắm.
Trong thời gian đó mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Hài, 86 tuổi, ở xã Hòa Khương, Hòa Vang - PV) công tác tại Bệnh viện Hòa Vang, rồi mẹ lo lắng, chăm sóc, giặt giũ cho anh. Anh nhận mẹ tôi làm mẹ nuôi từ đó.
Thời đó khó khăn nên mẹ con đùm bọc nhau sống. Sau này khi mẹ tôi nghỉ hưu thì năm nào những ngày này, khi anh chưa đi ra Trung ương, anh cũng lên thăm mẹ tôi, động viên gia đình.
2 năm nay, anh không lên được thì anh nhờ anh Bình, em trai anh lên thăm. Anh rất giản dị, bình dân, với tôi anh như anh em một nhà”, anh Lựu vừa nói vừa khóc.
Chị Mai mếu máo chia sẻ: "Mẹ tôi nghe tin anh Thanh mất đã ngất lịm ở nhà, bà nói "sao không đổi lại cho mẹ chết để nó (anh Thanh - PV) sống. Nó sống giúp được cho dân, cho nước". Giờ chúng tôi đứng đây và chỉ mong vào được nhìn anh trước khi liệm anh mà thôi”.
Trưa nay, cờ, hoa đã được chuẩn bị sẵn sàng để vào làm lễ viếng ông Nguyễn Bá Thanh vào lúc 14h30 chiều nay.
Lúc 12h30 cùng ngày, bảng cáo phó lễ viếng ông Nguyễn Bá Thanh được đặt trước cổng. Người dân tập trung rất đông để biết thời gian viếng.
Dù không phải bà con, thân thích, thế nhưng nhiều người dân vẫn tập trung đến đây để dọn dẹp bàn ghế, phục vụ khách đến thăm viếng. Ông Đặng Tâm (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) bỏ cả việc ăn trưa để đến đây được vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh.
“Tôi gặp anh Thanh được 2 lần. Lần đầu là lúc 0h khuya tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, lúc đó anh Thanh đi kiểm tra các bác sĩ về ca trực có chu đáo không, ai cũng ngỡ ngàng. Lần thứ hai là trong lần kẹt xe, anh Thanh đội dù đi trên cầu Nguyễn Văn Trỗi để trực tiếp hướng dẫn thông xe. Rất hiếm có những người lãnh đạo như thế” - ông Tâm bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (46 tuổi, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đứng chờ trước nhà ông Thanh từ hơn 1 ngày nay. Ước nguyện của chị là được đeo tang ông Nguyễn Bá Thanh với tư cách như người cha, cứu giúp mình trong lúc khốn khó nhất.
Chị Liên rơm rớm nước mắt kể: “Cách đây 14 năm, gia đình tôi nghèo lắm, sống trong ngôi nhà 8m2, chật chội, dột nát. Tôi cầm đơn đến nhà riêng để cầu cứu, thế là ông Nguyễn Bá Thanh cho phép tôi được vào chung cư. Từ khi có nơi ở yên ổn, tôi có cuộc sống ổn định, con ăn được ăn học tử tế. Tôi đến đây muốn được đeo tang ông Nguyễn Bá Thanh như người cha của mình”.
Vợ chồng anh Lý Phước Ca (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) lật đật đi xe máy ra để được vào viếng ông Thanh, bỏ quên cả ăn trưa. “Người Hòa Tiến chúng tôi đau buồn dữ lắm, nghe tin ông Thanh mất mà chân tay run rẩy không làm gì được. Dù không được vào thăm nhưng tôi vẫn ra” – anh Ca buồn rầu nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cơ quan, người dân đã mang hoa, đèn đợi để được vào viếng. Các ngành y tế, điện lực cũng được huy động để phục vụ lễ viếng...
Những hình ảnh PV ghi nhận tại nhà ông Nguyễn Bá Thanh:
Cờ đã được cắm trước nhà riêng ông Nguyễn Bá Thanh.
Công tác chuẩn bị phục vụ lễ tang.
Ngành y tế, điện lực cũng được huy động phục vụ lễ viếng.
Bảng cáo phó thông báo lễ viếng ông Nguyễn Bá Thanh tại nhà riêng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên rơi nước mắt và ước nguyện được để tang ông Thanh.
Vòng hoa của cán bộ hưu trí Đà Nẵng chuẩn bị lễ viếng.
Người dân mang hương đèn chờ vào viếng.
Theo cáo phó, lễ nhập quan vào lúc 11h30, lễ thanh phục vào lúc 13h, lễ viếng 14h30 (cùng ngày 14.2); lễ truy điệu vào lúc 9h30 ngày 16.2; lễ động quan vào lúc 11h, lễ di quan vào lúc 11h15, lễ an táng vào lúc 12h45 (cùng ngày 18.2). Ông Nguyễn Bá Thanh được an táng tại nghĩa trang gia tộc tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.