Ban Bí thư xử lý tin đồn về ông Bá Thanh thế nào?

Hải Phong (thực hiện) Thứ hai, ngày 15/02/2016 13:00 PM (GMT+7)
Theo tiết lộ của ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, khi ông Nguyễn Bá Thanh còn đương chức là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng có nhiều tin đồn trái chiều. Có lần ông Hùng đã được Ban Bí thư cử vào Đà Nẵng để xác minh những thông tin trái chiều đó và không thể bắt lỗi ông Nguyễn Bá Thanh được.
Bình luận 0

Ông Vũ Quốc Hùng kể tiếp với phóng viên Dân Việt: "Có mấy lần vào Đà Nẵng du lịch, tôi cũng thường để ý hỏi chuyện bất cứ người dân nào, từ ông xe ôm tới anh lái taxi, bà bán hàng, thấy mọi người đều nói về anh Nguyễn Bá Thanh với một thái độ kính trọng và sự quý mến chân thành. Họ đều thừa nhận anh có công rất lớn với sự phát triển của Đà Nẵng".

img

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

“Cán bộ cũng có nhiều kiểu”

Ông đánh giá thế nào về ông Nguyễn Bá Thanh, một cán bộ lãnh đạo rất được lòng người dân, đặc biệt là người dân Đà Nẵng, nhờ những đóng góp của ông cho sự phát triển của thành phố này?

- Dân tộc ta tồn tại và phát triển được là do luôn xuất hiện những hiền tài, những người con của nhân dân trưởng thành trong các cuộc đấu tranh của dân tộc. Chúng ta đã hưởng một truyền thống vẻ vang, bất khuất của dân tộc cùng với những đạo lý mà ông cha ta đã truyền lại, trong đó luôn thể hiện một tinh thần đề cao nhân dân như: “Dân là gốc” hay “Quan nhất thời, dân vạn đại”.

Nói vậy để thấy, người cán bộ tốt là người luôn được nhân dân yêu mến, kính trọng. Mà muốn được dân yêu mến, kính trọng, người làm quan phải luôn vượt qua được sự cám dỗ, vượt lên chính mình.

Tôi nhớ trong nhà thờ Đức Thánh Trần có bảng ghi những tiêu chí mà Trần Hưng Đạo dùng để chọn người tài làm quan, trong đó điều tiên quyết là phải trong sạch. Trong 14 điều răn của Phật cũng vậy, điều thứ nhất cũng ghi rõ: Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình.

Nhân chuyện Nguyễn Bá Thanh, tôi muốn nói về công tác cán bộ của ta. Cán bộ có thể có mấy kiểu: Có những cán bộ tốt, nhưng bị tha hóa khi có quyền lực. Có những người vốn đã tha hóa, khi có quyền lực thì lại càng tha hóa. Có người có những nhược điểm nhất định, nhưng khi có quyền lực thì biết gần dân, biết lắng nghe để điều chỉnh, hạn chế những khuyết điểm đó. Nguyễn Bá Thanh là một người như vậy, một người cán bộ có tâm và biết tôn trọng nhân dân.

Một người làm cán bộ giữ trọng trách lớn như ông Bá Thanh, khi còn sống cũng không tránh khỏi những tin đồn này kia. Nhưng khi mất, người ta mới hiểu rõ tình cảm của người dân dành cho ông. Không ít cán bộ ngày nay lựa chọn cách sống “tròn như bi” để làm đẹp lòng mọi người, tránh điều tiếng với bản thân, ông nghĩ sao?

- Khi anh Nguyễn Bá Thanh còn đương chức cũng có nhiều tin đồn trái chiều về anh. Tôi cũng đã có lần được Ban Bí thư cử vào Đà Nẵng để xác minh những thông tin trái chiều đó từ đơn tố cáo xung quanh việc xây cầu sông Hàn.

Vào tới nơi, tôi đã thăm dò, lắng nghe từ nhiều phía, đặc biệt là từ người dân địa phương, sau cùng mới trực tiếp hỏi anh Bá Thanh. Lúc đó anh Bá Thanh còn là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Trong những thông tin trái chiều về anh, có những thông tin không có cơ sở, không thể bắt lỗi anh ý được.

Trong lúc trao đổi, ông cảm nhận thế nào về con người của ông Nguyễn Bá Thanh, với tư cách cá nhân?

- Khi trực tiếp trò chuyện, tôi nhận thấy ở anh ấy một cán bộ năng nổ, có bản lĩnh và đặc biệt, những việc gì thấy lợi cho dân thì anh Bá Thanh không ngại ngần mà lăn xả vào làm.

Anh ấy luôn thể hiện là một cán bộ năng động, dám quyết và gần dân, một phẩm chất rất cần của một cán bộ. Ví dụ như chỉ cần nghe điện thoại của dân gọi ở đâu đó là anh phóng xe máy tới liền hay gọi người phụ trách lĩnh vực đó đến để tìm hiểu rõ bức xúc của dân.

Cho nên sau khi tìm hiểu, nghe nhiều tai, chúng tôi không đề xuất hình thức xử lý nào đối với anh Bá Thanh. Sau này, khi đã nghỉ, có mấy lần vào Đà Nẵng du lịch, tôi cũng thường để ý hỏi chuyện bất cứ người dân nào, từ ông xe ôm tới anh lái taxi, bà bán hàng, thấy mọi người đều nói về anh Bá Thanh với một thái độ kính trọng và sự quý mến chân thành. Họ đều thừa nhận anh có công rất lớn với sự phát triển của Đà Nẵng.

Xây dựng xã hội trọng dụng người tài

“Anh Bá Thanh luôn thể hiện là một cán bộ năng động, dám quyết và gần dân, một phẩm chất rất cần của một cán bộ. Ví dụ như chỉ cần nghe điện thoại của dân gọi ở đâu đó là anh ý phóng xe máy tới liền hay gọi người phụ trách lĩnh vực đó đến để tìm hiểu rõ bức xúc của dân”.

Ông Vũ Quốc Hùng

Rõ ràng ông Nguyễn Bá Thanh là người dám nói dám làm, nhưng cũng thực hiện nhiều việc ngoại lệ, “xé rào”. Theo ông, có nên khuyến khích việc “xé rào” đối với những cán bộ Nhà nước khi chúng ta đang tiến tới một xã hội thượng tôn pháp luật?

- Phải nói thật, những người “xé rào” như anh Bá Thanh cũng không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm. Nhưng đôi khi trong lịch sử chúng ta vẫn có những trường hợp đặc biệt như ông Kim Ngọc xưa hay anh Bá Thanh… Họ “xé rào” nhưng cái đó tốt cho dân, cho nước, họ phải “xé rào” khi những luật lệ, quy định chưa theo kịp thực tiễn.

Trên thực tế, luật pháp thường có độ trễ so với thực tiễn. Nếu chúng ta tập trung nâng cao chất lượng làm luật, luật có thể đón đầu thực tiễn thì sẽ không có chuyện cán bộ phải “xé rào”, không có chuyện vênh giữa thực tiễn và luật. Nếu nói một xã hội thượng tôn pháp luật nhưng khi làm luật mà không tham khảo ý kiến của dân thì luật sẽ dễ lạc hậu, không đi vào cuộc sống.

Vì thế, theo tôi, muốn đất nước phát triển bền vững, hiệu quả thì đất nước đó phải được xây dựng trên nền tảng pháp luật. Như vậy, phải làm sao để luật theo kịp, thậm chí đón đầu thực tiễn, sẽ hạn chế được những trường hợp “xé rào” một cách bất đắc dĩ.

Chúng ta rút ra được những bài học gì trong công tác cán bộ từ trường hợp của ông Nguyễn Bá Thanh?

- Quan trọng nhất là Đảng, Nhà nước phải quan tâm tới chuyện phát hiện, sử dụng và đào tạo hiền tài. Muốn vậy thì cơ chế nhân sự không được bị can thiệp theo kiểu “con vua thì lại làm vua” hoặc “con anh, con tôi”. Cứ người tài thì được giao giữ trọng trách, bất kể gia đình họ là ai. Chúng ta phải xây dựng được một xã hội biết quý trọng hiền tài.

Bài học nữa là phải trao cho nhân dân nhiều quyền hơn, có cơ chế rõ ràng để có thể giám sát cán bộ, quan chức. Anh làm kém thì nhân dân có quyền từ chối, anh làm giỏi thì nhân dân sẽ tín nhiệm. Cũng từ thành công của Đại hội XII, chúng ta cần tiếp tục công tác tuyển chọn cán bộ bằng cách lắng nghe dân, dựa vào dân nhiều hơn, mạnh mẽ hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem