'Vua gỗ lũa' Hà Thành và thú chơi khác người

Chủ nhật, ngày 08/05/2011 09:45 AM (GMT+7)
Người chơi và mê gỗ lũa ở đất Hà Thành không ít, nhưng bỏ hơn chục năm ngược Bắc xuôi Nam sưu tầm, coi nó là cái nghiệp và nguyện gắn bó đến hết đời như Lê Thanh Đại hẳn không nhiều.
Bình luận 0

Với “bảng thành tích” hơn chục năm ngược Bắc xuôi Nam đi tìm gỗ, sẵn sàng dốc hết của nả, thậm chí vay mượn bạn bè để khuân về những thứ mà nhiều người cho là thanh gỗ mục… ông được bạn bè trong giới săn “kỳ mộc” ưu ái tôn vinh là: Vua gỗ lũa đất Hà Thành.

Dù đã được giới thiệu trước nhưng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp khi bước vào ngôi nhà của ông trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Cả căn nhà vẻn vẹn chỉ chừa lại một lối đi nhỏ, còn lại cơ man nào là gỗ. Từ gốc gỗ cao cả mấy mét hình con rồng đến những những vật nhỏ hơn như bể cá, kệ kê ti vi, khay đựng hoa quả, thậm chí đến cái gạt tàn cũng được làm bằng gỗ lũa.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Đại rỉ tai: “Những khối gỗ lớn tớ đem gửi hết rồi. Dọc từ Nam ra Bắc, mỗi nhà bạn tớ lại gửi một ít. Phải giấu vợ kẻo bà ấy lại cằn nhằn”.

img

Chân dung "vua gỗ lũa" Lê Thanh Đại.

Từng bị gọi là… dở hơi

Cái tên Lê Thanh Đại giờ đây chẳng xa lạ gì trong giới mê sưu tầm gỗ đá thế nhưng, mươi năm trước từ cái thời “gỗ lũa” chưa thịnh như bây giờ, bạn bè thấy ông suốt ngày ba lô con cóc không quản núi cao rừng sâu, bữa đi ít cũng dăm ba ngày bữa nhiều cũng cả tuần trời để khuân về những thân gỗ to đùng, xù xì, chả khác gì… đống củi đun. Thấy thế có người bạn thì khuyên chăm chú vào làm ăn, chứ hơi đâu cứ tha về mấy thanh gỗ mục, kẻ độc mồm thì bảo rằng ông hâm, dở hơi mới thế...

Lúc đầu bị nói ông cũng vặc lại: “Nếu nói thế cái tủ nhà ông thật ra cũng là củi, cái xe máy cũng khác gì đống sắt vụn”. Nhưng lâu dần bị nói riết thành quen, thậm chí nhiều lúc cũng tự cho mình là… dở hơi thật.

“Ngay cả vợ tôi lúc đầu cũng phản đối dữ lắm, tôi mua gỗ về mà toàn phải đem gửi hàng xóm, thi thoảng lúc bà ấy đi vắng thì rón rén đem về nhà… giấu. Sau này bà ấy cũng thích, bây giờ thì mê lắm, có khi mê gỗ hơn mê tôi”, ông Đại cười khà khà, tếu táo kể.

img

Một góc nhà tràn ngập gỗ lũa của ông Đại.

Ông kể, cái máu thích lang bang, ưa khám phá cái lạ ngấm vào ông từ ngày còn trẻ. Có bận, chỉ vỏn vẹn 50 nghìn đồng trong túi, cưỡi trên con xe “rách” ông rong ruổi khắp mấy tỉnh miền núi phía Bắc. Rồi trở thành người lính, bị thương và trở về quê Vĩnh Phúc dạy học nhưng cái bản tính thích “xê dịch” của ông vẫn không thay đổi.

“Đang dạy học mà lúc “hứng” lên tôi lại xin nghỉ, khi thì 1-2 tháng, có khi cả nửa năm để… đi chơi. Thế rồi “vập” vào gỗ lũa và mê luôn”.

Theo lời ông, cái nguyên nhân khiến ông bén duyên với gỗ lũa là bởi một lần đi triển lãm ở Hà Nội cách đây 20 năm. Thấy mỗi người trong triển lãm đều có một tác phẩm gỗ nho nhỏ. Nhìn những khối gỗ bé xíu nhưng lại có hình thù kỳ lạ, đẹp mắt ông Đại cứ như bị thôi miên. Thế rồi, trên những chặng đường “xê dịch” ông làm thêm một việc là kiếm tìm thân gỗ lũa.

Có thanh gỗ nhỏ người ta kiếm làm củi đun ông xin về, không xin được thì ông dốc túi ra mua. Không đủ tiền, thì ông đặt tiền rồi về nhà vay mượn bạn bè rồi quay lại mua cho kỳ được. Đến nay, chính ông cũng không biết được mình có bao nhiêu tác phẩm gỗ lũa. Chỉ biết là dọc khắp dải đất hình chữ S, cứ nghe đâu có gỗ là ông đi. Không khuân được về nhà thì ông đem gửi, nhẩm tính có khi đến cả nghìn tác phẩm chứ chả chơi.

Kẻ “lái buôn” gàn

Từ việc mê chơi gỗ, chẳng bao giờ ông Đại nghĩ có ngày mình lại trở thành “lái buôn” cái thứ hàng này. Rồi lại nhờ nó mà ông đổi đời. Từ ngày còn là anh giáo nghèo, phải vay mượn tiền để chơi gỗ, giờ đây trong giới mê “kỳ mộc” cái tên Thanh Đại đã được xếp vào hàng “đại gia”.

img

 

img

Chiếc bể cá bằng gỗ lũa là một trong những vật ông yêu thích nhất.

“Lần ấy cận Tết tôi mua gỗ lũa để đem biếu. Chưa kịp mang đi nên xếp ở cửa, rồi đặt mấy cây mai mua ở chợ Nhật Tân lên, thế là nhiều người qua đường thấy đẹp vào hỏi mua. Vốn không định bán, nên tôi “hét” giá chơi, ai dè họ sẵn sàng mua luôn. Lời gấp mấy lần, thế là tôi tính chuyển sang luôn nghề lái buôn”, ông Đại vui vẻ kể.

Nhờ buôn bán gỗ mà ông mua được nhà, được đất, xây được dinh cơ đẹp, thế nhưng, theo lời ông, có lẽ ông là kẻ bán hàng gàn dở, a-ma-tơ nhất.

Ông bảo, bán hàng nhưng ông không đặt tiền lên trên. Có người đến ông thấy họ tâm huyết, quý mến thế là đem tặng luôn. Nhưng có người vào hỏi mua, cậy có tiền hợm hĩnh, chơi gỗ không phải vì yêu mà vì thích ra oai, thế là ông… đuổi không thương tiếc. Có trả giá cao mấy ông cũng không bán.

Rồi có bận, có cái ông bán đi rồi, lại nhớ nó đến mất ăn mất ngủ. Cái thì ông yêu, ông thích, có người hỏi mua cả trăm triệu ông cũng nhất quyết không bán.

“Có lần tôi mua được khối gỗ đẹp, cả đêm ngủ cứ thấp thỏm, chỉ mong trời mau mau sáng để dậy ngắm nó. Mà lạ, mỗi lần ngắm lại cứ như người bị thôi miên, mê mẩn đi, cảm giác phấn khích thích thú lắm. Cái thú ấy, tiền đâu dễ mua được”, ông Đại phân trần.

img

Tác phẩm gỗ hình con rồng được ông Đại coi là "bạn tri kỷ".

Ông bảo, cái thú chơi này với người không thích thì coi nó là củi, nhưng với người đã mê thì nó lại là vàng. Những người say mê gỗ lũa thường có một triết lý riêng, coi nó là “kỳ mộc”, là phần “sống” duy nhất của cây gỗ đã chết vì chất của gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay ảnh hưởng mưa nắng. Lũa có 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió.

Mỗi loại lại có đặc điểm riêng: lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng, lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa. Lũa được tạo thành bởi những loại gỗ quý như đinh, trai, nghiến hoặc những loại gỗ chứa dầu thơm như giáng hương, đinh hương, gù hương.

“Con người rất tài giỏi có thể tạo ra rất nhiều vật dụng siêu phàm nhưng chúng được sản xuất hàng loạt và giống hệt nhau nhưng vẻ đẹp gỗ lũa không bao giờ lặp lại. Nó được ví như trầm hương vì giá trị vô giá của nó và việc tìm kiếm cũng khó khăn khôn lường”, ông Đại chia sẻ.

Theo Bưu Điện Việt Nam
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem