4 anh lính và trang trại trong mây

Chủ nhật, ngày 14/10/2012 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Dân bản ta giờ cái bụng không còn đói nữa, có nhiều ngô, nhiều lúa trong nhà, nuôi được con dê, con lợn bán có tiền mua xe máy, ti vi rồi. Bản làng có được ngày hôm nay là nhờ cán bộ ở Đội 2 chỉ cho cách làm ăn mới đấy”- Trưởng bản Tằng Quay Dũng bộc bạch.
Bình luận 0

4 người về với bản

Chiếc xe Uoát đưa chúng tôi đến Đội sản xuất số 2 trên đèo Vắn Tốc thuộc xã Quảng Đức (Hải Hà, Quảng Ninh). Đến nơi, theo giới thiệu của thượng tá Bùi Công Nhiêm - Chính trị viên Lâm trường 103, Đoàn Kinh tế quốc phòng 327, tôi được gặp trung tá Phạm Tuấn Nghiên, trung tá Phạm Văn Thùy, thiếu tá Phạm Hùng Thắng, trung úy Phạm Hữu Bổn.

Một sự ngẫu nhiên, cả 4 đều họ Phạm, xa quê, cùng gắn bó ở đỉnh Vắn Tốc bốn mùa mây bay trên đầu. Lại có cả Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đức Phùn Hợp Phí và Trưởng bản Cống Mằn Thìn là anh Tằng Quay Dũng cũng ở đây.

img
Bốn anh lính họ Phạm chăm sóc vườn rau tăng gia.

Nói về công lao gây dựng trang trại lưng chừng núi của 4 anh lính Cụ Hồ cùng họ Phạm, Bí thư Phùn Hợp Phí là người nhớ rõ nhất. Ông Phí kể rằng, gần 10 năm về trước có 4 chú bộ đội về cắm chốt tại khu vực đèo Vắn Tốc giáp biên giới Trung Quốc. Hàng ngày các chú chia nhau xuống bản vận động bà con bảo vệ đường vành đai, cột mốc biên giới.

Ngày ấy, địa bàn này có nhiều kẻ xấu sang đất ta xâm canh, chăn thả gia súc, khai thác lâm sản trái phép, rồi bọn tội phạm, buôn lậu, vận chuyển ma túy cũng lợi dụng đường mòn, núi cao giáp biên mà hoành hành... Bản làng không có điện thắp sáng, không có đường ô tô, muốn ra huyện thì chỉ có cách đi bộ vượt đèo, lội suối.

“Cuộc sống phụ thuộc thiên nhiên, tự cấp, tự túc với nhiều hủ tục lạc hậu nên đời sống bà con khó khăn, nghèo đói. Khi đã nghèo đói họ tìm cách chặt phá, đốt rừng làm rẫy, lại dễ bị kẻ xấu đe dọa, lợi dụng... Mình cũng tuyên truyền, vận động tích cực lắm nhưng chưa hẳn đã thuyết phục được cái bụng của bà con. Trong khi đó, anh em ở đội đều xa nhà từ 300-500km, hoàn cảnh rất khó khăn, không thể giúp bà con bằng tiền bạc, vật chất được. Mà bà con có bám bản, giữ đất thì chủ quyền, biên giới quốc gia mới bền vững. Muốn vậy thì nói suông không đủ mà phải làm cách nào để bà con có cuộc sống ngày càng ổn định là điều khiến tôi suy nghĩ, trăn trở”- Đội trưởng Phạm Tuấn Nghiên cho biết thêm.

Thấy tốt bà con mới theo

Sau khi tìm hiểu, nắm chắc địa hình đất đai tại địa bàn, với vai trò là Bí thư chi bộ, đội trưởng - Trung tá Phạm Tuấn Nghiên mạnh dạn báo cáo kế hoạch tăng gia sản xuất theo mô hình VAC với lãnh đạo Lâm trường 103. “Mình chỉ nghĩ rằng muốn nói cho bà con hiểu, bà con tin thì không gì bằng việc làm cụ thể. Bộ đội phải làm kinh tế trước, thấy hiệu quả bà con sẽ làm theo”- anh Nghiên tâm sự.

Tuy nhiên, với vùng đất ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt thì ý tưởng làm trang trại lưng chừng núi của anh khiến không ít người nghi ngờ về tính khả thi. Tin tưởng vào kế hoạch táo bạo, có cơ sở của anh, Ban giám đốc Lâm trường 103 ủng hộ và trích quỹ đầu tư cho Đội hơn 20 triệu đồng làm vốn. Anh Nghiên động viên anh em trong Đội huy động thêm hơn 100 triệu đồng (anh Nghiên góp 70 triệu đồng) từ gia đình và những người vợ tần tảo một nắng hai sương nơi quê nhà xa xôi, quyết tâm thực hiện dự án.

Tiếp đến là những ngày cả đội xắn tay làm chuồng trại chăn nuôi, lắp đường ống dẫn nước từ khe núi về phục vụ sinh hoạt, trồng trọt và duy trì nước ao cá, ngăn suối Cô Tiên lắp tua-bin làm thủy điện... Có chuồng trại chắc chắn, ban đầu các anh mua 20 con bò, 7 con trâu, 16 con dê, 30 con ngan, gà về thả nuôi và đào 2 ao thả cá nước ngọt.

Thiếu tá Phạm Văn Thắng bộc bạch: “Khó nhất phải kể đến việc nuôi dê. Bà con cho rằng vùng này núi cao, mưa kéo dài, cỏ ướt, dê ăn vào đau bụng và chết. Tìm hiểu thấy ở đây không ai nuôi dê thật, nhưng chúng tôi động viên nhau càng phải quyết tâm làm bằng được. Làm thành công sẽ thay đổi nếp nghĩ của bà con. Vậy là khi trời nắng ráo, anh em vừa chăn thả vừa cắt cỏ phơi khô làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn dê những ngày mưa gió”.

Một năm, hai năm trôi qua, đàn dê không những không hao hụt mà còn thêm những chú dê con chào đời trong niềm vui của cả đội. Thấy đàn gia súc, gia cầm của bộ đội ngày một sinh sôi, bà con kéo đến tìm hiểu xem bộ đội nuôi con dê như thế nào. Lòng dân đã mở, các anh phối hợp với xã Quảng Đức hướng dẫn cách nuôi dê cho bà con tại đơn vị.

Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ nghèo ở các bản khác trong huyện Hải Hà cũng đến nhờ bộ đội chỉ cho cách nuôi con dê mau lớn. Các anh không chỉ nhiệt tình chỉ bảo mà còn tặng mỗi hộ một đôi dê để làm giống. Giờ đây, 4 anh lính họ Phạm này cũng không còn nhớ đôi chân mình đã bao lần luồn rừng vượt suối đến với bản Tình Á, Má Thầu Phố, Kháy Phầu, Khe Lánh, Nà Lý, Cống Mằn Thìn... để giúp bà con chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, dạy trồng cây lúa, cây ngô.

Thương hiệu vươn xa

Dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi trang trại gây dựng sau 10 năm của Đội, gương mặt khắc khổ của người đội trưởng Phạm Tuấn Nghiên rạng ngời niềm tự hào bởi công sức của anh và đồng đội trong những năm tháng lăn lộn nơi vùng đất miền biên viễn này đã được đền đáp xứng đáng. Đàn dê hơn trăm con, đàn lợn nái cung cấp hàng chục con lợn giống cho bà con mỗi năm; 20 con trâu, trên 300 gia cầm lấy thịt và đẻ trứng...

Mấy năm gần đây có đường ô tô từ huyện về xã, thương hiệu “gà đồi”, “dê núi” từ trang trại của các anh vươn xa. Nhà hàng, khách sạn ở Hạ Long, Móng Cái tìm đến tận đèo Vận Tốc mua gà, mua dê của các anh. Riêng thu từ 2 ao cá mỗi năm đạt khoảng gần 3 tấn các loại. Các anh còn về quê mang các loại giống rau như: Su hào, bắp cải, bầu, bí... ra trồng thành công trên vùng đất sương giăng đỉnh núi bốn mùa… Đội sản xuất số 2 đã cung cấp đủ thịt, rau quả cho bếp ăn của Lâm trường 103 và bán ra thị trường, thu mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy Phùn Hợp Phí cho biết: “Sau 4 năm được các anh ở đội 2 giúp đỡ, 90% hộ gia đình ở Cống Màn Thì đã có cuộc sống ổn định, không có gia đình thiếu đói; 100 hộ có xe máy, 70% mua được ti vi...”.

Đón chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, vững chãi, anh Lý A Hùng ở bản Cống Mằn Thìn thân mật: “Các chú bộ đội ở đèo Vắn Tốc không chỉ “mát tay” chăn nuôi giỏi mà còn giúp bản ta phát triển kinh tế, xóa nghèo nữa đấy. Bộ đội cấp cho bà con giống, vốn, hướng dẫn ta trồng cây ngô, cây lúa nước năng suất cao và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi nên nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc, trẻ con được đến trường học cái chữ”.

Bí thư Đảng ủy Phùn Hợp Phí cho biết: Cống Mằn Thìn là bản mới thành lập năm 2008, gồm 30 hộ người Dao với 198 nhân khẩu, hầu hết thuộc các gia đình đông con, nghèo đói ở các bản trong xã. Sau 4 năm được các anh ở Đội 2 giúp đỡ, 90% hộ gia đình có cuộc sống ổn định, không có gia đình thiếu đói; 100 hộ có xe máy, 70% mua được ti vi. Đất rừng được giao đến từng gia đình, chấm dứt tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy. An ninh chính trị, trật tự trị an bản làng được giữ vững, bà con tích cực tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng ngăn chặn người vượt biên, xâm nhập trái phép, buôn lậu... góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem