4 lĩnh vực trong nền kinh tế số Việt Nam và "cơ hội vàng" cho nhà đầu tư

Thứ năm, ngày 20/05/2021 07:05 AM (GMT+7)
Có một dự báo được công bố trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á năm 2020 do Google và một số đối tác thực hiện cho rằng nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025 từ mức ước đạt hơn 16 tỷ USD vào năm 2020.
Bình luận 0

Kinh tế số Việt Nam: động lực và tiềm năng

Một phân tích trên chuyên trang VietNam Briefing do do hãng tư vấn đầu tư nước ngoài tại châu Á Dezan Shira & Associates chịu trách nhiệm nội dung cho biết mức tăng trưởng nhanh chóng này được củng cố bởi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số rộng rãi trong nước.

Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi Kỹ thuật số của Việt Nam nhằm đảm bảo hơn 80% hộ gia đình được tiếp cận với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vào năm 2025, hướng tới trở thành quốc gia số vào năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đưa kinh tế số chiếm 20% GDP toàn nền kinh tế, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vô hình chung đã trợ lực đáng kể cho quá trình chuyển đổi số thông qua sự bùng nổ việc áp dụng kỹ thuật số trong các lĩnh vực đời sống. Một số liệu mà VietNam Briefing trích dẫn cho thấy có 36% người dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á hiện tại là người dùng mới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

4 lĩnh vực trong nền kinh tế số Việt Nam và "cơ hội vàng" cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 vô hình chung đã trợ lực đáng kể cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam

Để nhìn rõ hơn thực trạng và tiềm năng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam, cần đi sâu vào từng phân ngành lĩnh vực cụ thể dưới đây.

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử được xem là một mắt xích quan trọng trong nhiệm vụ chuyển đổi số.

Một nghiên cứu cho thấy quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng đạt 15 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 2,8 tỷ USD vào năm 2018. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi độ phổ biến của dịch vụ internet, cơ cấu dân số trẻ và xu hướng doanh nghiệp trong nước áp dụng thương mại điện tử như một kênh phân phối chính. Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để tiếp cận người dùng hiệu quả hơn.

Theo một cuộc khảo sát thị trường gần đây, tần suất mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 14% trong năm 2020, phản ánh thực tế ngày càng nhiều người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Tỷ trọng tiêu dùng trực tuyến tăng cao nhất ở các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, đồ thể thao, thời trang và văn phòng phẩm. 3 kênh thương mại điện tử phổ biến chiếm tỷ trọng lớn nhất là Shopee, Lazada và Tiki.

Các nền tảng thương mại điện tử sở hữu nước ngoài như Lazada và Shopee (thuộc sở hữu của ông lớn Alibaba tại Trung Quốc) đang thống trị thị trường trong nước. Tuy nhiên, các nền tảng địa phương như Tiki cũng báo cáo kế hoạch mở rộng thị phần đầy tiềm năng trong bối cảnh đại dịch.

Dịch vụ tài chính kỹ thuật số

Tháng 9/2020, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đến hết năm, cả nước ước tính có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Con số này cho thấy vẫn còn dư địa lớn cho việc tăng trưởng nhu cầu các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Một báo cáo do WeAreSocial công bố vào tháng 2/2021 cho thấy tỷ lệ dân số sử dụng internet tại Việt Nam hiện chiếm 70%, trong đó lượng người sử dụng internet qua thiết bị di động chiếm tới khoảng 95%. Mỗi ngày, bình quân mỗi người dành 3 giờ 18 phút để sử dụng Internet qua thiết bị di động.

Tác động tổng hợp của sự tăng cường truy cập internet và sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử được đánh giá sẽ tạo cơ hội cho các lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt và nhiều dịch vụ tài chính số khác phát triển. Dù rằng hiện nay, thanh toán bằng tiền mặt vẫn là phương thức phổ biến nhất tại Việt Nam. 

Tương tự như trường hợp của thương mại điện tử, đại dịch Covid-19 cũng góp phần đưa nhu cầu thanh toán không tiền mặt lên cao. Mức tăng kỷ lục 76% các giao dịch thanh toán không tiền mặt được ghi nhận trong quý I/2020 là một minh chứng.

Vào tháng 8/2020, Timo Plus - “ngân hàng kỹ thuật số” đầu tiên của Việt Nam - tuyên bố sẽ đầu tư vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số thông qua sản phẩm tín dụng và tiết kiệm nhằm thu hút những người dùng đang muốn chuyển hướng khỏi dịch vụ của các ngân hàng truyền thống.

Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng các dịch vụ tài chính đã thúc đẩy sự nóng lên của thị trường fintech Việt Nam. Năm ngoái, Fvndit, Kim An Group, Timo và NextPay là những công ty fintech đã được cam kết các đợt rót vốn mới từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, doanh thu từ lĩnh vực fintech trong toàn nền kinh tế đạt 7,8 tỷ USD trong năm 2020.

Sự mở cửa chính sách cũng góp phần thu hút dòng vốn FDI vào thị trường fintech. Đầu năm nay, ngân hàng Trung ương đã từ bỏ đề xuất giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49% với các công ty fintech trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Điều này mở ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận vốn cả trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng chung của lĩnh vực fintech.

Game online

4 lĩnh vực trong nền kinh tế số Việt Nam và "cơ hội vàng" cho nhà đầu tư - Ảnh 3.

Game online đang có xu hướng trở thành ngành công nghiệp giải trí hàng đầu hành tinh

Ngành công nghiệp game của Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhu cầu mạnh mẽ vào năm 2020. Chẳng hạn, thị trường thể thao điện tử đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5 năm liên tục kể từ năm 2015, với mức tăng trưởng năm 2020 lên tới 28%. Doanh thu từ thị trường trò chơi trực tuyến đạt 10 triệu USD.

2 động lực chính tạo nên sức nóng của ngành công nghiệp game trực tuyến là yếu tố nhân khẩu học và sự thúc đẩy chuyển đổi số. Việt Nam hiện có ít nhất 3,9 triệu game thủ, theo con số thống kê trên trang VietNam Briefing. 

Tuy nhiên, thị trường game trực tuyến tại Việt Nam hiện chủ yếu bị chi phối bởi các nhà cung cấp game nước ngoài, mạnh nhất là Trung Quốc. Các công ty này không chỉ tận dụng nhu cầu lớn tại thị trường game non trẻ của Việt Nam, mà còn là nguồn cung cấp chuyên gia phát triển game trình độ cao. 

Các dịch vụ hỗ trợ CNTT và Công nghiệp 4.0

Nền kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 29% trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, trụ cột trung tâm của tăng trưởng là hệ sinh thái kỹ thuật số được cấu thành bởi doanh nghiệp số và người tiêu dùng. Các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin cho doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số thành công trong nước. Ngược lại, xu hướng chuyển đổi số cũng tạo ra cơ hội phát triển cho ngành dịch vụ hỗ trợ CNTT và Công nghiệp 4.0.

Giá trị thị trường dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 291 triệu USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm trên 10% trong 5 năm liên tiếp. Phần lớn sự tăng trưởng này tập trung ở khu vực phía Bắc, nơi tập trung các công ty dịch vụ internet lớn mạnh của nước ngoài như Microsoft, Amazon Web Services, IBM và SAP Asia.

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp 4.0 nhằm cải thiện thứ hạng quốc gia trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu thông qua tăng năng suất sản xuất nhờ áp dụng công nghệ mới. Chiến lược quốc gia về Công nghiệp 4.0 đã được ban hành vào năm 2019, tập trung vào đầu tư cho R&D, cơ sở hạ tầng kết nối và quản trị kỹ thuật số.

Có thể thấy, sự phát triển các công nghệ như big data, điện toán đám mây… tại Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào việc mở rộng lực lượng lao động có trình độ cao, xây dựng năng lực cơ sở hạ tầng kết nối chất lượng cao.

Hiện tại, nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp 4.0 của Việt Nam đang tạo động lực cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động R&D trong nước. Chẳng hạn, Samsung, Panasonic, Bosch, GE và Piaggio đều đã và đang có các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển R&D tại địa phương. Điều này ngụ ý dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể sắp chứng kiến sự thay đổi trong cấu trúc, khi các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm thị trường có năng lực đổi mới và trình độ chuyên môn cao nhìn thấy tiềm năng từ Việt Nam.

Nhìn chung, ngay từ thời điểm trước đại dịch, nền kinh tế số của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến nhiều chuyển dịch. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số, game online và Công nghiệp 4.0 đang sẵn sàng phát triển và mang lại cơ hội sinh lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tiếp cận với hệ sinh thái kỹ thuật số Việt Nam.


NTTD (VietNam Briefing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem