4 người Nam Định đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân qua các khoa thi năm Hợi
4 người Nam Định đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân qua các khoa thi năm Hợi
Thứ bảy, ngày 22/04/2023 05:04 AM (GMT+7)
Khoa cử Việt Nam thời phong kiến từ khoa thi năm 1075 đến khoa thi năm 1919 tỉnh Nam Định có 83 vị đỗ đại khoa. Qua các khoa thi được tổ chức năm Hợi, tỉnh ta có các nhà khoa bảng tiêu biểu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân gồm: Hoàng Quốc Trân, Ngô Tiêm, Phạm Duy Chất, Vũ Hữu Lợi.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Phạm Duy Chất, sinh năm 1615, tên thật là Phạm Duy Hiền, người xã Ngọ Trang, huyện Thiên Bản (nay là thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Theo các nguồn sử liệu ghi lại, Phạm Duy Chất từ nhỏ là người thông minh, học giỏi. Năm 14 tuổi, Phạm Duy Chất tham gia thi thả thơ ở Hội làng Gạo đầu xuân. Đề bài của Phạm Duy Chất yêu cầu làm một bài phú ca ngợi cảnh đẹp của vùng đất làng Gạo.
Đọc bài của Phạm Duy Chất, các vị giám khảo đều tâm đắc và bất ngờ bởi bài phú “Quả Linh phong thổ ký” với nội dung hay lại được viết bởi một thiếu niên. Năm 19 tuổi, Phạm Duy Chất được một bậc đại khoa người làng Đại Đê mời về kinh dạy thêm cho con.
Năm 24 tuổi (1638), Phạm Duy Chất đi thi Hương đỗ Hương cống (Cử nhân) và được bổ làm quan võ Đô chỉ huy Thiêm sự. Năm 1659, dự kỳ thi Hội, thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ 2 đời Vua Lê Thần Tông. Ông được bổ làm quan ở Viện Hàn lâm.
Mùa đông năm 1659, vua mở khoa thi Đông các cho các quan đã đỗ tiến sĩ dự thi. Vua chọn 5 người trong đó có Phạm Duy Chất và ông được thăng chức Đông các Hiệu thư. Năm 1663, nhiều quan chức xứ Sơn Tây phạm tội tham nhũng, ăn hối lộ bị bãi chức, có người bị xử tử.
Vua cử Phạm Duy Chất làm Tham chính xứ Sơn Tây để chấn chỉnh tình hình. Mùa xuân năm Ất Tỵ (1665) Phạm Duy Chất được thăng chức Đông các Đại học sĩ. Trở về triều, tháng Chạp năm Ất Tỵ (1665) Phạm Duy Chất bị bệnh nặng qua đời.
Nhà vua thương tiếc, truy tặng ông phẩm hàm Công bộ Hữu thị lang, phong sắc thần cho làm phúc thần làng Ngọ Trang. Nhà vua ban tiền, cấp thuyền và cử quan đưa linh cữu quan Nghè về làm lễ an táng tại quê nhà.
Trường thi Nam Định. Ảnh: Tư liệu
Hai vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Hoàng Quốc Trân và Ngô Tiêm cùng thi đỗ khoa thi năm 1779 (Kỷ Hợi), hiện nay không có nhiều nguồn sử liệu ghi chép chi tiết thân thế sự nghiệp.
Theo Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779) và cuốn sách Nam Định tỉnh địa chí mục lục thì Hoàng Quốc Trân (1751-1787) quê xã Nam Chân, huyện Nam Chân (nay là thôn Nam Trực, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực).
Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tông, làm quan đến Hàn lâm viện đãi chế, thự Hiến sát sứ Kinh Bắc. Ông được vua ban cờ biển vinh quy, một biển đề “Giáo tử đăng khoa” và 1 biển đề “Song thân cự khánh”.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Tiêm (1749-1818) quê xã Cát Đằng, huyện Vọng Doanh (nay là thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân thịnh khoa Kỷ Hợi năm Cảnh Hưng 40 (1779) làm quan Đông các Hiệu thư kiêm Đốc trấn Lạng Sơn.
Gặp loạn Tây Sơn Vua Chiêu Thống ban cho Ngô Tiêm chức Tổng quản thiên hạ cần vương binh mã hậu giá Chinh man đại tướng quân. Thời Vua Gia Long ban ông lá cờ có chữ “Thanh tiết như thượng” (khí tiết trong sạch đáng khen), đặc cách thăng Thái Hoà điện Đại học sĩ, Nghĩa Phái hầu, Đốc đồng Lạng Sơn, kiêm các xứ Tuyên Quang, Hưng Hoá.
Bài văn bia do Hoàng giáp Phạm Văn Nghị soạn dành cho Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Tiêm có nội dung: “Đậu khoa cao, làm quan to, đại nhân đều làm được… Làm người hoàn thiện trong một đời người, đại nhân thật là người không chê vào đâu được”.
Đền Giao Cù, xã Đồng Sơn (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thờ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Vũ Hữu Lợi. Ảnh: Viết Dư
Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi tên thật là Vũ Ngọc Tuân, sinh ngày 8-8-1836 tại làng Giao Cù, tổng Sa Lung, huyện Nam Trực (nay là xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực). Do quy định của triều đình nhà Nguyễn, người đi thi phải có chức sắc trong làng, Vũ Ngọc Tuân phải lấy tên ông Vũ Hữu Lợi ở dòng họ Vũ chi dưới để đăng ký dự thi. Khoa thi năm Ất Hợi (1875), Vũ Hữu Lợi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ; sau đó được bổ chức Quang lộc Thiếu tự khanh rồi thăng Tả lý bộ binh.
Năm 1881, ông được bổ làm Thượng biện tỉnh vụ Nam Định. Khi thực dân Pháp tấn công thành Nam Định lần thứ 2 (1883), Vũ Hữu Lợi đứng về phe chủ chiến đã tích cực tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ thành. Sau này những người đứng lên chiến đấu bảo vệ thành Nam Định đã lần lượt bị Vua Tự Đức xét tội.
Chán cảnh bất công của triều đình, Vũ Hữu Lợi bỏ quan về quê lập trường dạy học. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, các sĩ phu yêu nước lúc đó liên tục nổi dậy, phất cao ngọn cờ chống Pháp. Vũ Hữu Lợi ở quê hương đã chiêu tập lực lượng, rèn sắm vũ khí, tích trữ lương thực và mở nhiều cuộc tấn công tiêu diệt quân thù.
Phong trào chống Pháp do ông lãnh đạo là một phong trào có mối liên lạc với nhiều cuộc khởi nghĩa như: Khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa, khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên… Dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc Vũ Hữu Lợi không thành công, thực dân Pháp đã bắt, kết án tử hình và thi hành án Vũ Hữu Lợi ngay vào buổi chiều 30 Tết tại bến Đò Chè (Thành Nam).
Để tưởng nhớ công lao của các vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân: Hoàng Quốc Trân, Ngô Tiêm, Phạm Duy Chất, Vũ Hữu Lợi, tại quê hương các ông đều lập đền thờ, từ đường để con cháu và nhân dân thập phương chăm lo nhang khói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.