Ngày 17.5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức giao ban trực tuyến sau 4 tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
|
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công an, công an 18 tỉnh, thành phố trọng điểm tổng rà soát lập danh sách 123 đối tượng tham gia hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu: Lạng Sơn 37 đối tượng, Quảng Ninh 27 đối tượng, Lào Cai 16 đối tượng, Hà Nội 12 đối tượng. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, giáo dục, đến nay đã có 84/123 đối tượng đã chấm dứt hoạt động, 39/123 đối tượng còn biểu hiện hoạt động nhưng chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, diễn ra không thường xuyên tại vùng giáp biên.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm xử lý, thu giữ 32.006 kg gà lông, 96.274 kg gà thịt, 446.993 quả trứng gà Trung Quốc, 96.799 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh gà), 626.512 con gà giống, 4.990 con vịt, 6.913kg chim, xử phạt vi phạm hành chính 625,25 triệu dồng.
Một số vụ điểm hình đã được các lực lượng chức năng các địa phương phát hiện bắt giữ như: Ngày 4 và 5.4, Hải quan trạm kiểm soát liên ngàn Km15 (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ vận chuyển trái phép, thu giữ 313kg gà thịt thải loại, 385kg mèo thịt, trị giá gần 32 triệu đồng; ngày 9.3, Chi cục Hải quan Móng Cái (Quảng Ninh) đã phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Ka Long, bắt giữ 40.000 con gà giống, trị giá hơn 200 triệu đồng…
Tại cuộc giao ban, nhiều địa phương đề cho rằng, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép còn nhiều bất cập như: Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe (chủ yếu phạt dưới mức 5 triệu đồng), biện pháp xử lý tang vật vi phạm còn chưa thống nhất, tạo kẽ hở cho các đối tượng tiếp tục đưa gia cầm vào tiêu thụ trên thị trường, lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, kinh phí tiêu huỷ hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (TP. Hà Nội) cho biết, TP. Hà Nội lần đầu tiên đã ra quyết định tịch thu xe ô tô mang BKS giả: 98C – 020. 77 vì hành vi mang biển kiểm soát giả 29X-1702 tham gia vận chuyển gà Trung Quốc đem về tiêu thụ ở Hà Nội. Bà Mai cũng bày tỏ lo lắng nhất là khâu cấp giấy kiểm dịch. Theo đó, niêm phong xe chở gia cầm không thống nhất, giấy kiểm dịch có dấu hiệu quay vòng; cấp kiểm dịch làm tắt, làm tuỳ tiện khá phổ biến.
Cũng tại buổi giao ban trực tuyến, Bộ Công thương đã đưa ra khá nhiều kiến nghị Chính phủ về việc sửa đổi, ban hành các Nghị định, điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tế việc xử lý vi phạm như: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 47/2005/QĐ-BNN, ngày 25.5.2005 về quy định số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn và miễn kiểm dịch. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị bổ sung thêm quy định: “Thời điểm cơ quan kiểm tra yêu cầu mà chủ hàng không chứng mình được nguồn gốc, xuất xứ của động vật, sản phẩm đọng vật thì số động vật, sản phẩm động vật đó bị coi là hàng… nhập lậu”, tại Điều 12, Nghị định số 40/2009/NĐ – CP ngày 24.4.2009.
Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền từ TW đến địa phương trong công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu, tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác kiểm soát đối với gia cầm nhập lậu, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm; khôi phục lại đàn gia cầm trong nước, xây dựng thương hiệu gà Yên Thế…
Phó Thủ tướng đã cho ý kiến đối với một số kiến nghị liên quan đến kinh phí hoạt động, trang thiết bị bảo hộ của một số lực lượng tham gia ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an lên kế hoạch rà soát, kiểm tra và lên kế hoạch đấu tranh đối với những đầu nậu chuyên kinh doanh buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Đồng thời kiểm soát, xử lý phương tiện tham gia vận chuyển gia cầm lậu, trong đó cần thống nhất áp dụng biện pháp thu giữ phương tiện tham gia vận chuyển gà nhập lậu tới 60 ngày, khi hội đủ điều kiện pháp lý có thể tịch thu phương tiện để đảm bảo tính răn đe.
Thanh Xuân - Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.