Sau khi mua 4 tờ vé số, ông O tin tưởng giao cho ông M (cháu vợ) dò giúp. Theo lời ông O, sau khi biết cả 4 tờ đều trúng giải độc đắc, người cháu vợ đã nổi lòng tham và lên kế hoạch chiếm đoạt. Dàn xếp đòi lại 4 tờ vé số bất thành, ông O đành phải làm đơn gửi
công an nhờ can thiệp. Thế nhưng, từ kết luận không đủ chứng cứ của cơ
quan điều tra, ông M đã bức xúc gửi đơn tố ngược ông O vu khống. Cuộc
tranh chấp 4 tờ vé số diễn ra suốt 2 năm qua vẫn chưa ngã ngũ khiến chú cháu
rơi vào bi kịch “vì tiền đứt tình”.
Ông O bức xúc bị cháu rể mình tố ngược.
Chú tố cháu “chiếm đoạt”, cháu tố chú “vu khống”
Đã hai năm trôi qua, dù biết 4 tờ vé số trúng giải nhưng ông N.V.O
(SN 1940, ngụ TP.HCM) vẫn chưa được lĩnh thưởng.
Tiếp xúc với phóng
viên, ông O cay đắng thừa nhận chuyện rắc rối bắt nguồn từ chính sự chủ
quan của mình. Số là sau khi mua xong 4 tờ vé số, ông đã tin tưởng giao
hết cho người cháu vợ là ông N.V.M (SN 1948, ngụ TP. HCM) dò giúp. Sau
khi biết 4 tờ vé số trúng giải, ông M đã tính cách ỉm đi để chiếm đoạt
những tờ vé số trên. Đáp lại, ông M không những kiên quyết phủ nhận mà
còn tố ngược người chú đã vu khống mình.
Đến tận bây giờ, sau năm lần
bảy lượt “đóng cửa bảo nhau” không thành, ông O vẫn đội đơn, ngược xuôi
gõ cửa khắp nơi để kiện tụng.
Sự việc hy hữu về 4 tờ vé số gây nên cuộc tranh chấp bắt đầu vào
chiều 4.11.2011. Ông O kể, hôm đó cùng người cháu bên vợ đang ngồi uống
cà phê tại một quán nước tại ngã ba Phước Thiện (P.Long Thạnh Mỹ) thì
có một phụ nữ mời đến mua vé số. Dù chẳng có nhu cầu nhưng nghe người
bán vé số năn nỉ, ông O tặc lưỡi rút ví mua giúp 4 tờ, loại vé của Công
ty XSKT tỉnh Vĩnh Long phát hành, có 5 số đuôi là 062…
Mua xong, vì bận
đi đón đứa cháu ngoại ở trường, ông O đưa cho ông M 2 tờ nhờ dò giúp
và không quên dặn: “Nếu trúng, mai chú cháu mình đi uống nước”. Đến sáng
hôm sau (5.11), ông O quay lại quán cũ thì gặp ông M và một số người
khác đã ngồi sẵn. Tại đây, ông O đưa tiếp 2 tờ vé còn lại cho ông M dò
giúp. Khi ông O hỏi kết quả thì ông M cho biết, toàn bộ 4 tờ vé số
đều trật. Tin lời cháu, ông O lặng lẽ ra về.
Mọi chuyện có lẽ sẽ êm đềm trôi qua nếu không có việc người phụ nữ
bán vé số tìm đến tận nhà ông O thông báo 4 tờ vé số mua tại quán cà
phê hôm trước đã trúng thưởng và ngỏ ý “xin lộc”. Ngớ người vì chưa rõ
hư thực, ông O định bụng đến chiều cùng ngày sẽ quay lại hỏi ông M. Thế
nhưng, ý định chưa kịp hỏi thì ông đã thấy người cháu vợ đến tìm, dúi
vào tay 1,5 triệu đồng. Khi ông O hỏi lý do biếu tiền thì ông M tươi
cười đáp: “Vừa trúng mánh lớn (ông M làm nghề cò đất). Nghi vấn đây là
khoản “lót tay” lấy từ tiền chiếm đoạt những tờ vé số trúng giải, ông O hỏi vặn thì ông M chối bay chối biến rồi bỏ về”.
Ông O cũng cho biết, không lâu sau khi dời đi, ông M đột ngột quay
lại rồi biếu chú thêm 8,5 triệu đồng nữa. Đón nhận sự “thơm thảo” hiếm
có của người cháu, ông O càng tin những tấm vé của mình đã bị biển thủ.
Sau nhiều lần nhẹ nhàng thương thảo không thành, ông O đã làm đơn tố
cáo lên cơ quan công an nhờ can thiệp.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, công
an đã gọi hai bên lên làm việc. Thế nhưng ngay sau đó, ông M đã phản
ứng, làm đơn kiện ngược chú vợ vì “vu khống” mình. Theo tường trình của
ông M tại cơ quan điều tra thì sự việc liên quan đến 4 tờ vé số độc đắc
lại diễn ra hoàn toàn khác.
Theo đó, chiều 4.11, ông có mua 2 tờ vé của người phụ nữ bán vé số
(tình tiết như ông O kể như đã nói trên) trước sự chứng kiến của ông O
và những người quen. Sau đó không lâu, người phụ nữ khác bán vé số cũng
đến quán cà phê tiếp tục mời mua. Nhưng do không còn tiền, ông M đã
lắc đầu từ chối. Lúc ấy, ông O ngồi bên liền rút ra trả cho người bán
vé (2 tờ vé của Công ty XSKT Vĩnh Long có 5 số tận cùng là 062…).
Trả
xong, ông O đổi 2 tờ vé này với 2 tờ vé của ông M đã mua trước đó
(theo ông M thì ông O trả giúp tiền chứ không phải ông O mua) thì
được ông M đồng ý. Trước khi chào về, ông O có đưa cho ông M giữ lấy 2
tờ vé mà dò, nếu trúng thưởng thì chú cháu chia nhau.
Ông M khẳng định: “Sau khi dò thì 2 tờ vé số của tôi đã trúng giải
nhất, số tiền nhận giải sau khi trừ thuế còn lại 57 triệu đồng”. Giải
thích lý do biếu chú mình tiền, ông M cho biết, vì tình chú cháu thân
thiết xưa nay. Hơn nữa, hai tấm vé trúng thưởng là do ông O trả tiền
giúp và đổi cho, nên ông mới biếu người chú số tiền 10 triệu đồng. Ông
M cũng liên tục khẳng định, ông O chưa từng nhờ ông dò vé số giúp.
Thế
nhưng, tại cơ quan điều tra, người bán vé số sáng hôm ấy là bà M.T.L
(ngụ TP.HCM) lại khẳng định, chính bà đã bán cho ông O (chứ không phải
ông M) 4 tờ vé số của Công ty XSKT tỉnh Vĩnh Long có 5 số đuôi như đã
nói và tất cả đều trúng giải nhất.
Đoạn tình chú cháu, kiện tụng tiếp diễn
Ông O cho biết, khi lên công an thưa kiện, ông đã đem toàn bộ số
tiền ông M “biếu” sáng 4.11 làm chứng. Thế nhưng, cơ quan điều tra cho
rằng chưa đủ cơ sở để buộc tội ông M chiếm đoạt vé số nên đã trả lại hồ
sơ và tiền. Được thể, lần này đến lượt ông M làm đơn khiếu nại tội ông
O vu khống và yêu cầu chú phải trả lại số “tiền lộc” 10 triệu đồng đã
“biếu” trước đó với lý do “không thích cho nữa”.
Không được tiền thì đòi danh dự
Trúng thưởng không được nhận giải, ông O còn phải trả thêm rất
nhiều khoản phí kiện tụng khác. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông O
tỏ ra bức xúc. “Tôi không ngờ nó (người cháu họ - PV) lại tham lam và
trắng trợn dựng chuyện đến vậy. Bằng ngần này tuổi, đầu bạc còn ngược
xuôi đâm đơn kiện. Tiền mất đã đành, tôi xem như mình gặp hạn. Nhưng vì
danh dự, tôi nhất định phải kiện đến cùng để làm cho ra nhẽ”.
|
Được biết, trước khi mua 4 tờ vé số trên, ông O và ông M rất thân
nhau. Dù là chú cháu nhưng hai người đã lên bậc ông nên coi như bạn, lúc
rảnh rỗi thường hay ngồi quán cà phê tám chuyện. Ông O không giàu nhưng
rộng lòng. Vì thấy hoàn cảnh ông M còn nhiều khó khăn, ông O thi
thoảng vẫn hay giúp đỡ.
“Có lần, nhà nó (ông M - PV) không có tiền đi
đám ma, tôi còn cho 500 ngàn đồng để khỏi mất mặt với xóm giềng. Thế mà
giờ nó vì đồng tiền nỡ quên tình nghĩa. Với tôi thì giờ chẳng còn chú
cháu nữa, hai nhà cũng coi nhau như người dưng. Hồi đi thăm bà chị dâu
bệnh, tôi đã nói thẳng với nó là từ nay chỉ gặp nhau khi nào có tang ma
mà thôi”, ông O bức xúc nói.
Ông O vốn là bộ đội kháng chiến, phải gánh chịu nỗi đau chất độc da
cam, về già chỉ mong có cuộc sống yên bình. Vướng vào chuyện lình xình
mấy tờ vé số, mọi sinh hoạt của ông hoàn toàn bị đảo lộn. Những lần họp
chi bộ hay hội cựu chiến binh phường, những người bạn già hay đem chuyện
trên ra hỏi, ông O lại ngậm ngùi xót xa.
Bà T.T.L (vợ ông O - PV)
buồn bã nói: “Ông ấy già rồi mà còn phải theo kiện tụng khắp nơi. Thân
già thấp cổ bé họng cãi không lại được người ta, đành mặc cháu chắt láo
xược như thế. Cả đời ông ấy phục vụ cách mạng, không lấy của ai một
đồng, thế mà cuối đời lại mang tiếng thế này”.
Về phía ông M, sau khi nhận tiền trúng số đã mua một mảnh đất và xây
hẳn căn nhà khang trang kế bên đất nhà ông O. Thế nhưng, chẳng được bao
lâu, nhà bị giải tỏa, số tiền đền bù thấp hơn giá mua, cả gia đình đành
quay về sống ở ngôi nhà cũ. Cũng từ đấy, người ta chỉ thấy ông O một
mình trầm tư ngồi uống cà phê ở quán nước cũ, nhưng chẳng thấy ông M
đâu nữa. Nghe nói, mỗi lần ông M xuất hiện, dư luận lại nhỏ to đàm tiếu
cho rằng ông M sống đến bạc tóc mà vì tiền nỡ cạn tình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.